Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Trồng hoa công nghệ cao góp phần tăng thu nhập cho người nông dân

Hà Nội đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa và cây cảnh nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thực tế, nhiều mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao đã hình thành, góp phần tạo chuyển biến lớn cho phát triển nông nghiệp Thủ đô.



Khi nhắc đến hoa hồng Văn Khê, nhiều người biết đến đó là sản phẩm hoa hồng nổi tiếng của “vựa” hoa Hà Nội-Mê Linh. Ngoài phục vụ thị trường hoa cho người dân Thủ đô, hoa Mê Linh còn được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Để thúc đẩy thế mạnh sản xuất hoa hồng, huyện Mê Linh đã phối hợp với ngành nông nghiệp triển khai mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao với khởi nguồn là giống hoa hồng lai Pháp mới về trồng ở xã Văn Khê. Nông dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật chăm sóc nên chất lượng hoa cao hơn hẳn so với mô hình sản xuất hoa hồng truyền thống. Hiện mỗi héc ta sản xuất hoa hồng chất lượng cao tại Văn Khê cho hiệu quả kinh tế từ 400 triệu đồng trở lên...

Riêng tại xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, trung bình mỗi năm diện tích trồng hoa ly tăng từ 2 đến 2,5 ha, cho thu nhập khoảng 180 triệu đồng/sào. Gia đình anh Ðỗ Huy Nghĩa (thôn Táo 2) là một trong những hộ gia đình đầu tiên trong xã Tam Thuấn lập nghiệp bằng nghề trồng hoa ly. Ðến nay, gia đình anh có 2,5 ha trồng các loại hoa, trong đó hoa ly chiếm khoảng gần 2 ha. Trừ chi phí sản xuất, gia đình anh Nghĩa thu lãi gần 1 tỷ đồng/năm...

Tính đến nay trên địa bàn Thủ đô đã hình thành 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh quy mô tập trung tại các quận, huyện như Tây Hồ, Mê Linh, Ðan Phượng, Thường Tín..., trong đó có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao. Ðến nay, diện tích sản xuất hoa, cây cảnh của Thành phố đã đạt hơn 7.000 ha chủng loại hoa ngày càng phong phú, đa dạng. Trong đó, diện tích gieo trồng một số loại hoa tăng cao như hoa hồng từ 770 ha đã tăng lên gần 1.800 ha; hoa cúc từ 450 ha nay đạt 968,8 ha; hoa đào từ gần 300 ha nay tăng lên 474 ha... Tăng mạnh nhất là diện tích trồng hoa lan và ly.

Trồng hoa, cây cảnh ở Hà Nội đã trở thành nghề cho thu nhập cao, ổn định; giá trị thu nhập từ hoa trung bình cao gấp 3-20 lần trồng lúa (đạt 200-500 triệu đồng/ha/năm). Nhiều mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ, sử dụng giống mới chất lượng cao, trồng hoa chậu (hoa hồng, hoa lan...), hoa cắt cành (hoa hồng ngoại, lay ơn...) đạt doanh thu trung bình từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm...

Tuy nhiên, nghề trồng hoa ở Hà Nội đang đứng trước khó khăn do quá trình đô thị hóa, đất canh tác bị thu hẹp. Một số làng trồng hoa truyền thống có nguy cơ mai một bởi đất đai manh mún, hệ thống thủy lợi bị chia cắt, tưới tiêu gặp khó khăn…

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, diện tích trồng hoa, cây cảnh của Thành phố đạt 6.500-7.000ha, trong đó, 3.000ha chuyên canh, 300ha ứng dụng công nghệ cao. Để phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn với định hướng tăng diện tích, nâng giá trị, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất cho một số giống hoa nhập khẩu mới, giá trị kinh tế cao để nông dân dễ dàng áp dụng.

Đối với các vùng hoa tập trung từ 20ha trở lên, ngành nông nghiệp cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã… về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại; tư vấn về giống, thị trường tiêu thụ; đồng thời, tăng cường tập huấn kỹ thuật cho các hộ trồng hoa, cây cảnh với mục tiêu trên 60% số hộ trồng hoa được tập huấn kỹ thuật mới.

Ðể phát triển các mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, HĐND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HÐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn TP. Hà Nội. Theo đó, đối với sản xuất hoa, cây cảnh, Thành phố cần đẩy mạnh chính sách hỗ trợ về vốn giúp doanh nghiệp, HTX đầu tư nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ cán bộ khuyến nông, nhất là mạng lưới cán bộ khuyến nông xã. Khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, hình thành bền vững hệ thống sản xuất, cung ứng giống và vật tư cho ngành sản xuất hoa, cây cảnh./.

 NT (Theo Chinhphu.vn)