Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội: Tăng cường triển khai thực hiện Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND

Sau gần 4 năm triển khai, Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội đã mang lại những kết quả khả quan, từng bước khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Đây là nội dung chính được thảo luận trong Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội do Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức.


Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại phát biểu kết luận Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố.

Trước thời điểm Nghị quyết 02 được ban hành, toàn thành phố có 206.841 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, tổng số hộ chăn nuôi ở các quận nội thành, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, 6 thị trấn thuộc 5 huyện (Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì) là 2.599 hộ, với 204.117 con gia súc, gia cầm.

Số lượng chăn nuôi tại các phường, thị trấn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, tập trung tại khu vực bãi ven sông Hồng hoặc xen kẽ ở trong khu vực dân cư. Điều này khiến môi trường ngày càng có nguy cơ ô nhiễm, khả năng lây lan dịch bệnh cao, có nhiều mối nguy về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tác động không tốt đến sự phát triển của đô thị.

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 7/7/2020, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 02 về việc Ban hành Quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội.

Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, các quận, huyện, thị xã, hiện trạng chăn nuôi tại nhiều địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến nay, có 5 địa phương không còn hoạt động chăn nuôi gồm: 4 phường của thị xã Sơn Tây; 2 thị trấn Yên Viên và Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm); thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng); thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh); thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì). Tổng số hộ còn hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện nay giảm so với thời điểm chưa thực hiện Nghị quyết số 02, còn 450 hộ (giảm 82,89%), với 47.203 gia súc, gia cầm (giảm 77,47%).

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Nghị quyết 02/NQ-HĐND vẫn còn khó khăn như: Việc bố trí quỹ đất và thủ tục liên quan đến chính sách di dời cơ sở chăn nuôi ra khu vực được quy hoạch khó triển khai do thủ tục phức tạp, xa nơi ở của người chăn nuôi. Một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, còn nể nang, né tránh (nhất là chính quyền cấp phường) trong việc thực hiện các giải pháp dừng, chấm dứt hoạt động chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi; do tập quán chăn nuôi tận dụng thức ăn dư thừa gắn liền với thói quen sinh hoạt của một bộ phận người dân, đặc biệt là người dân tại khu vực bãi ven sông Hồng, lấy chăn nuôi là nguồn thu nhập chính; lực lượng lao động chăn nuôi chưa thích ứng, thiếu kỹ năng để chuyển đồi nghề khác. Ngoài ra, Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & PTNT) có địa chỉ tại quận Bắc Từ Liêm vẫn còn số gia súc, gia cầm tương đối lớn ở Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương, Trung tâm Thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi…

Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Chăn nuôi, Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND, đối với các quận, khu vực không được phép chăn nuôi, cần nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quy định của pháp luật về chăn nuôi, tập huấn chuyển đổi nghề, lồng ghép chính sách hiện hành hỗ trợ người chăn nuôi chuyển đổi nghề. Đối với các quận, các địa bàn còn diện tích đất nông nghiệp, đất bãi sông cần có Kế hoạch, Đề án cụ thể để phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm, đảm bảo phù hợp các quy định của Luật và phát huy hiệu quả các tiềm nẵng, lợi thế.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi gắn với trải nghiệm, sản xuất giống chăn nuôi đặc sản của Hà Nội có giá trị kinh tế cao; xác định rõ vùng chuyên canh chăn nuôi phù hợp từng địa phương.../.

Lưu Phượng