Mạnh dạn bỏ lúa trồng rau
Năm 2021, do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên ông Nguyễn Văn Long (xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã phải đóng cửa xưởng gỗ của gia đình sau 14 năm gắn bó với nghề mộc.
Để có thu nhập, vợ chồng ông Long đã chuyển sang buôn bán các loại rau xanh. Hằng ngày, vợ chồng ông đến các vùng trồng rau tập trung trong huyện để mua rau, sau đó đem đến các chợ để bán kiếm lời.
Trong thời gian đó, ông Long nhận thấy nhiều hộ dân có thu nhập cao nhờ chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu. Sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, năm 2022, ông Long đã quyết định chuyển đổi 10 sào ruộng của gia đình đang cấy lúa nhưng kém hiệu quả sang chuyên canh rau màu.
“10 sào ruộng này gia đình tôi hàng năm vốn vẫn cấy 2 vụ lúa và trồng 1 vụ màu. Tuy nhiên, do đất ruộng không bằng phẳng nên việc tưới tiêu gặp khó khăn, dẫn đến năng suất lúa đạt thấp, vụ nào được mùa cũng chỉ đạt 1,5 tạ thóc tươi/sào”, ông Long chia sẻ.
Do đó, để quá trình sản xuất rau màu thuận lợi hơn, ông Long đã đầu tư hơn 100 triệu đồng mua các loại máy móc như máy làm đất, máy lên luống, máy gieo hạt để cải tạo lại ruộng cho bằng phẳng và phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất.
Ông Long đã chủ động quây lưới sắt xung quanh ruộng để hạn chế gia súc, gia cầm phá hoại ruộng rau. Từng ruộng rau cũng được ông quy hoạch cẩn thận, chia thành các ô khác nhau để trồng nhiều loại rau củ quả như cà chua, bắp cải, su hào, bí đỏ, dưa chuột...
Hiện nay, ông Long đang trồng song song rau giống và rau thương phẩm, tất cả quy trình sản xuất đều áp dụng theo hướng VietGAP. Hàng ngày, ngoài lượng rau được thương lái đến tận vườn thu mua, số còn lại vợ chồng ông tự đưa đi các chợ để bán.
Việc trồng rau có thể diễn ra quanh năm. Tuy công lao động nhiều hơn trồng lúa nhưng bù lại cây rau màu mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với cấy lúa.
“Với 10 sào ruộng, trước đây dù có sản xuất đủ 2 vụ lúa và 1 vụ màu cũng chỉ cho thu nhập khoảng trên 50 triệu đồng/năm. Từ khi chuyển sang trồng rau màu, gia đình tôi đã có thu nhập cao hơn 4 - 5 lần so với trước, đạt khoảng 200 - 250 triệu đồng/năm”, ông Long phấn khởi chia sẻ.
Việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình Long được chính quyền địa phương đánh giá cao. “Mô hình này chính là tiền đề để xã Văn Yên tuyên truyền, vận động bà con đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân”, ông Ngô Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Văn Yên nhấn mạnh.
Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ông Nguyễn Văn Long không chỉ giải quyết được việc làm cho 4 nhân khẩu trong gia đình mà còn tạo việc làm thời vụ cho 3 - 5 lao động địa phương.
Đơn cử như bà Lưu Thị Mão, người cùng địa phương với ông Long năm nay đã ngoài 60 tuổi, không thể làm thêm được các công việc nặng nhọc nên được gia đình ông Long tạo điều kiện làm việc thời vụ.
“Công việc của tôi hàng ngày là chăm sóc, thu hoạch các loại rau. Mỗi tiếng tôi được trả công 20.000 - 25.000 nghìn đồng, nhờ đó cũng có thêm đồng ra đồng vào”, bà Mão bộc bạch.
Chuyển đất kém hiệu quả sang rau màu, cây ăn quả
Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên. Gia đình ông Dương Nghĩa Sáng ở xã Bảo Lý, huyện Phú Bình là một điển hình.
Gia đình ông Sáng có 8 sào ruộng nhưng do manh mún nên không thể chủ động được nước tưới, trước đây chỉ trồng ngô và sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2014, ông Sáng đã cải tạo toàn bộ 8 sào ruộng cùng hơn 1ha đất vườn để trồng khoảng 7.000 cây chuối, 500 cây bưởi, 30 cây hồng xiêm. Các cây trồng đều thích nghi tốt với chất đất, khí hậu địa phương.
“Tính về hiệu quả kinh tế, tôi thu được lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa. Lấy ví dụ với cây chuối, trên diện tích 1 sào (360m2) tôi thu được trên 1,5 tấn chuối mỗi vụ, bán được gần 11 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư và chăm sóc còn lãi trên 8 triệu đồng”, ông Sáng phấn khởi.ư
Tại xã Nhã Lộng (huyện Phú Bình), những diện tích ruộng bị úng ngập hoặc chân ruộng cao của người dân đều được chính quyền xã khuyến khích chuyển đổi sang những cây trồng phù hợp. Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng, diện tích sản xuất lúa của xã là 210ha. Vụ Xuân năm 2024, toàn xã có 20ha được chuyển đổi sang cây trồng khác, chủ yếu là cây rau màu, tập trung ở xóm Đô, Náng, Mịt, Xúm. Đặc biệt, xóm Náng đã hình thành được vùng chuyên canh cây rau màu theo hướng VietGAP, hữu cơ.
Nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất, thời gian qua, UBND huyện Phú Bình đã tập trung chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã, thị trấn thường xuyên nắm bắt cơ sở để tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó chú trọng giảm dần diện tích cây trồng kém hiệu quả, tăng diện tích cây trồng lâu năm, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Ngoài ra, UBND huyện cũng phối hợp triển khai các mô hình, dự án hỗ trợ người dân phát triển cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Nổi bật là dự án liên kết chuỗi giá trị sản phẩm rau chất lượng cao.
Theo đó, từ năm 2021 đến 2023, huyện Phú Bình đã hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất rau tập trung, chuyên canh ứng dụng công nghệ nhà lưới trên địa bàn xã Nhã Lộng với kinh phí 175 triệu đồng; mô hình công nghệ cao trong sản xuất rau với quy mô 4.000m2 tại xã Nhã Lộng…
Ngoài ra còn có dự án sản xuất ngô sinh khối trên đất kém hiệu quả để làm thức ăn chăn nuôi bò thịt. Trong 2 năm 2022 - 2023, huyện Phú Bình đã triển khai mô hình trồng ngô sinh khối tại các xã Bảo Lý, Nga My, Thanh Ninh, Đào Xá, Hà Châu… với diện tích 530ha.
Nhờ những giải pháp phù hợp, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Bình đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây hàng năm, chủ yếu là rau màu. Trên địa bàn huyện đã hình thành được một số diện tích sản xuất rau chuyên canh, tập trung tại xã Nhã Lộng, Dương Thành, Lương Phú, Tân Đức.
Đối với những diện tích đất gò đồi, vườn tạp, người dân cũng đã chuyển sang trồng cây lâu năm và cây ăn quả. Hiện nay, các xã Tân Đức, Tân Kim, Lương Phú đang từng bước hình thành những diện tích sản xuất cây ăn quả quy mô lớn.
Qua thực tế sản xuất cho thấy, những diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó góp phần tăng giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt hơn 120 triệu đồng/ha, tăng hơn 5 triệu đồng/ha so với năm 2022./.
NT (Theo nongnghiep.vn)