Hợp tác xã Rau an toàn Hà Hồi (xã Hà Hồi, huyện Thường Tín) là đơn vị điển hình về sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP. Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Hà Hồi Từ Đức Toàn, với hơn 22ha sản xuất rau an toàn, trung bình mỗi ngày hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 15 đến 20 tấn rau các loại và nấm, mộc nhĩ. Hiện tại, hợp tác xã có nhiều sản phẩm đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 - 4 sao, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho nhiều xã viên.
“Từ mô hình hợp tác xã, xã Hà Hồi đã giải quyết được tiêu chí tổ chức sản xuất và kinh tế nông thôn, môi trường… Nhờ vậy, góp phần giúp Hà Hồi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, ông Từ Đức Toàn chia sẻ.
Hay tại xã Chương Dương (huyện Thường Tín), người dân đã xây dựng thành công mô hình trồng nho hạ đen và thành lập hợp tác xã. Giám đốc Hợp tác xã Duy Tới (xã Chương Dương) Đào Duy Tới thông tin, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của cán bộ ngành Nông nghiệp và huyện Thường Tín, hợp tác xã đã đưa nho hạ đen về gieo trồng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 5 - 6 lần trồng lúa…
Theo UBND huyện Thường Tín, các hợp tác xã đã và đang tạo nguồn lực lớn cho huyện trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho hay, toàn huyện có 42 hợp tác xã, trong đó có 28 hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã đã chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động với đủ loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích...
Đánh giá về vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại huyện Thường Tín, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra hồ sơ, đánh giá thực tế kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 4 xã: Hòa Bình, Văn Tự, Thắng Lợi và Tự Nhiên của huyện Thường Tín. Điểm nổi bật của các xã là đều có hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tạo nguồn thu lớn cho nông dân. Nhiều tiêu chí khó về thu nhập, tổ chức sản xuất, kinh tế nông thôn, môi trường đều được hoàn thiện tốt thông qua hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, làng nghề.
Theo thống kê của huyện Thường Tín, đến nay, toàn huyện có 17/28 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, chiếm 60,71% tổng số xã trên địa bàn huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, với số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao vượt 50% tổng số xã, Thường Tín đã đạt điều kiện để được xem xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao… Như vậy, huyện Thường Tín đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao ngay trong năm 2024, sớm trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.
Phân tích rõ hơn vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho rằng, tại 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đều có một mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao. 17 hợp tác xã này đều có quy mô toàn xã, với hàng trăm thành viên tham gia. Ngoài sản xuất, các hợp tác xã còn nộp bảo hiểm xã hội cho thành viên hội đồng quản trị và bộ phận chuyên môn theo quy định. Không chỉ sản xuất theo quy hoạch, định hướng thị trường, hầu hết các hợp tác xã đã liên kết hoạt động theo chuỗi, bảo đảm đầu ra, ứng dụng công nghệ số, điện tử trong giao dịch hàng hóa.
Để phát huy vai trò của hợp tác xã, thời gian tới, huyện Thường Tín tiếp tục yêu cầu các xã duy trì và nhân rộng những mô hình hợp tác xã hiệu quả, mở rộng hợp tác xã sản xuất theo chuỗi. Huyện cũng thường xuyên cập nhập những khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ hợp tác xã phát triển, cụ thể là quỹ đất sản xuất, nguồn vốn, xúc tiến thương mại…/.
TA (Theo Báo HNM)