Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giới thiệu phương pháp khử trùng đất bằng năng lượng mặt trời

Khử trùng đất bằng năng lượng mặt trời là phương pháp xử lý sâu, mầm bệnh, hạt cỏ tồn dư trong đất từ vụ trước, đồng thời cải tạo chất lượng đất bằng cách hấp thụ năng lượng mặt trời để nhiệt độ trong đất tăng ở mức từ 400C trở lên.



Phương pháp thực hiện: Phủ kín đất trước khi trồng cây bằng một lớp ni lông ( màu trắng trong) trong thời gian từ 22 ngày trở lên tùy thuộc thời vụ và nhiệt độ ngoài trời trong quá trình xử lý.

  1. Một số ưu điểm chính của phương pháp

- Hiệu quả cao trong việc xử lý, giảm thiểu sâu, mầm bệnh, hạt cỏ tồn dư trong đất từ vụ trước.

- Cải tạo chất lượng đất.

- Tăng năng suất cây trồng.

- Thân thiện với môi trường. Không áp dụng hóa chất trong quá trình khử trùng nên không làm ô nhiễm đất, nguồn nước.

- Đơn giản, dễ áp dụng.

  1. Nguyên lý (cách thức hoạt động)

Nguyên lý làm tăng nhiệt độ trong đất của quy trình

- Năng lượng mặt trời đi qua lớp màng phủ ni lông màu trắng trong và được giữ lại trong đất, nhiệt độ ở tầng trên của đất sẽ tăng tới mức từ 400C trở lên, đôi khi nhiệt độ tăng tới 600C tùy thuộc vào cường độ ánh sáng mặt trời.

- Nhiệt độ cao trong tầng đất canh tác có thể xử lý sâu, mầm bệnh, hạt cỏ tồn dư trong đất từ vụ trước.

Trong quá trình khử trùng, nhiệt độ tăng cao trong tầng đất canh tác có thể giảm thiểu sâu, bệnh, hạt cỏ dại tồn dư trong đất từ vụ trước như sau:

- Giảm thiểu các loại sâu, trứng, ấu trùng sâu bao gồm ấu trùng bọ nhảy cư trú trong đất.

- Giảm thiểu một số mầm bệnh gây hại trên bộ rễ.

- Diệt hạt cỏ qua đó hạn chế mật độ cỏ dại trong quá trình canh tác. Riêng đối với cỏ ấu, khi áp dụng phương pháp khử trùng này không thể tiêu diệt toàn bộ nhưng có thể giảm mật độ cỏ ấu.

Mùa vụ áp dụng phương pháp khử trùng đất

Phương pháp khử trùng đất bằng năng lượng mặt trời cần ánh nắng mặt trời mạnh, nhiệt độ cao, do đó nên chọn mùa nóng nhất trong năm để thực hiện. Ví dụ, tại các tỉnh phía Bắc nên chọn mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 8) để khử trùng đất.

Thời gian khử trùng

Có 2 phương pháp tính thời gian khử trùng:

Phương pháp 1: Thời gian khử trùng tối thiểu là 22 ngày có ánh nắng mạnh và nhiệt độ không khí ngoài trời từ 300C trở lên. Những ngày nhiệt độ dưới 300C và những ngày không có nắng sẽ không được tính.

Phương pháp 2: Số ngày khử trùng được tính toán dựa trên dữ liệu nhiệt độ. Cách tính nhiệt độ như sau: Đo nhiệt độ đất ở độ sâu 10cm tính từ mặt đất vào mỗi 1 giờ chiều. Quá trình xử lý kết thúc khi tổng nhiệt độ từng ngày cộng lại lớn hơn 9000C .Những ngày nhiệt độ trong đất từ 400C trở lên được tính để cộng thành tổng nhiệt độ. Những ngày nhiệt độ trong đất dưới 400C không được tính.

Lưu ý: Nếu người sản xuất có sẵn nhiệt kế nên chọn phương pháp 2 để tính thời gian khử trùng để đảm bảo phương pháp khử trùng đạt hiệu quả như mong muốn. Trong trường hợp không có sẵn nhiệt kế, người sản xuất có thể chọn phương pháp 1 để tính thời gian khử trùng.

Độ ẩm đất trong quá trình khử trùng

Độ ẩm của đất rất quan trọng trong quá trình này, vì đất ẩm dẫn nhiệt tốt hơn đất khô. Độ ẩm cũng là điều kiện có lợi để vi sinh vật phát triển trong đất, vì vậy khi bắt đầu khử trùng cần tưới nước nếu đất quá khô.

  1. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật

3.1. Chuẩn bị nguyên vật liệu để khử trùng đất bằng năng lượng mặt trời

Nguyên liệu chính trong phương pháp khử trùng đất bằng năng lượng là phân NPK và phân hữu cơ được ủ từ phân chuồng. Khối lượng các loại phân này tương tự như khối lượng phân bón lót trong canh tác thông thường cho từng loại cây trồng.

Thông tin bên dưới là ví dụ về lượng phân bón áp dụng trong phương pháp khử trùng đất để trồng su hào và bắp cải/1 sào Bắc Bộ (360 m2).

Phân hữu cơ được ủ từ phân chuồng: 360 kg.

Phân NPK (loại 13:13:13 hoặc 16:16:8 hoặc những loại có tỷ lệ tương tự): 10 - 15kg.

Ni lông trong: 15kg.

Trong trường hợp áp dụng phương pháp khử trùng này cho các loại cây trồng khác như rau ăn lá ngắn ngày hay rau ăn quả như cà chua, dưa chuột, người sản xuất có thể điều chỉnh lượng phân bón trong phương pháp khử trùng đất tương tự như lượng phân bón lót đang được áp dụng trong canh tác thông thường cho từng loại cây trồng.

Khối lượng ni lông sử dụng khoảng 15kg/sào. Màng ni lông dùng trong khử trùng đất là loại trong suốt do đó ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua và làm tăng nhiệt độ trong đất. Nông dân/hợp tác xã có thể mua loại ni lông này tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp địa phương. Độ dày của tấm màng ni lông được sử dụng trong phương pháp này khoảng 0,25 - 0,3 mm (25 - 30 m2/kg).

3.2. Quy trình kỹ thuật

- Bước 1: Dọn sạch ruộng, loại bỏ tồn dư từ vụ trước.

- Bước 2: Bón phân hữu cơ được ủ từ phân chuồng, phân NPK (loại 13:13:13 hoặc 16:16:8 hoặc những loại có tỷ lệ tương tự). Người sản xuất có thể tự điều chỉnh lượng phân bón trong phương pháp khử trùng này tương tự như lượng phân bón lót trong canh tác thông thường.

- Bước 3: Cày trộn đảo phân với đất.

- Bước 4: Tạo luống đất theo yêu cầu khi trồng từng loại rau.

- Bước 5: Tưới nước, độ ẩm thấm sâu 15 - 20cm.

- Bước 6: Phủ tấm ni lông trong lên các mặt luống.

- Bước 7: Bịt kín các cạnh của tấm ni lông trong bằng đất để tránh thoát nhiệt.

Cách tính thời gian khử trùng:

- Phương pháp 1: Thời gian khử trùng tối thiểu là 22 ngày có ánh nắng mạnh và nhiệt độ không khí ngoài trời từ 300C trở lên. Những ngày nhiệt độ dưới 300C và những ngày không có nắng sẽ không được tính.

- Phương pháp 2: Số ngày khử trùng được tính toán dựa trên dữ liệu nhiệt độ. Cách tính nhiệt độ như sau:

Đo nhiệt độ đất ở độ sâu 10 cm tính từ mặt đất được đo vào mỗi 1 giờ chiều. Quá trình xử lý kết thúc khi tổng nhiệt độ từng ngày cộng lại lớn hơn 9000C. Những ngày nhiệt độ trong đất từ 400C trở lên được tính để cộng thành tổng nhiệt độ. Những ngày nhiệt độ trong đất dưới 400C không được tính.

Khi quá trình khử trùng hoàn tất, thu tấm phủ ni lông từ mặt luống. Không cày lại đất. Đợi từ 1 đến 2 ngày cho đến khi nhiệt độ trong đất giảm, sau đó gieo hạt hoặc trồng cây.

Lưu ý:

- Với mục đích cải thiện/phục hồi chất lượng đất, nên thực hiện phương pháp này mỗi năm một lần.

- Màng phủ ni lông có thể sử dụng nhiều lần nên khi thu dọn cần cẩn thận để sử dụng cho lần khử trùng kế tiếp. Màng phủ bị bẩn sẽ làm ngăn cản ánh nắng xuyên qua nên cần rửa sạch trước khi dùng lại.

- Màng phủ ni lông bị hư hỏng không thể sử dụng lại cần được thu gom và xử lý theo quy định. Không nên đốt hoặc vứt bỏ ngoài ruộng gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

  1. Những lưu ý khi áp dụng

4.1. Hiệu quả của phương pháp phụ thuộc vào thời tiết

Chọn thời điểm nắng nóng trong năm tiến hành khử trùng đất để đạt được hiệu quả cao nhất. Nếu khử trùng đất vào thời điểm không có ánh nắng hoặc trời mát, nhiệt độ trong đất sẽ không tăng, do đó sẽ không đạt hiệu quả cao.

4.2. Độ ẩm ảnh hưởng đến hiệu quả của phương pháp khử trùng

Độ ẩm của đất rất quan trọng trong quá trình khử trùng. Đất ẩm dẫn nhiệt tốt hơn đất khô vì vậy trước khi phủ màng ni lông để bắt đầu khử trùng cần tưới nước để độ ẩm thấm sâu trong đất từ 15 đến 20 cm.

4.3 Sử dụng loại màng phủ ni lông thích hợp

Sử dụng loại màng phủ ni nông trong năng lượng mặt trời mới có thể xuyên qua và làm nóng đất. Nếu sử dụng các loại màng phủ loại khác, ví dụ màng phủ ni lông màu đen hoặc loại màng không trong nhiệt độ trong đất sẽ không tăng cao dẫn đến hiệu quả của phương pháp sẽ không cao.

4.4 Điều kiện đồng ruộng

Phương pháp đạt hiệu quả khi áp dụng trên những khu vực đồng ruộng cao, không bị ngập nước để trồng rau và các loại cây ngắn ngày khác…/.

TA (Theo TTKN QG)