Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thị xã Sơn Tây: Nông dân tăng thu nhập nhờ liên kết sản xuất

Những năm qua, các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn Hà Nội. Ở thị xã Sơn Tây, bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp cũng đang trực tiếp góp phần nâng cao đời sống người nông dân.



Qua tìm hiểu, hiện trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 3 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao gồm: Mô hình liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ gà mía của Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà mía Sơn Tây; mô hình liên kết nuôi ong lấy mật của Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật Kim Sơn và Mô hình sản xuất rau an toàn của HTX nông sản sạch Viên Sơn.

Nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn xã Kim Sơn có từ khoảng năm 1984, nhưng chỉ dừng lại ở góc độ hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ, tự phát. Năm 2007, các hộ nuôi ong Kim Sơn đã thành lập câu lạc bộ nuôi ong lấy mật với 11 thành viên. Cũng từ đó, nghề nuôi ong ở Kim Sơn phát triển mạnh, câu lạc bộ có thêm hàng chục hộ thành viên. Nhằm liên kết chặt chẽ hơn nữa để cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, tháng 3/2018, Tổ liên kết hợp tác nuôi ong lấy mật xã Kim Sơn được thành lập với 30 hộ thành viên. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 80 - 200 đàn. Có những thành viên mở rộng quy mô lên đến 500 - 600 đàn, cho lợi nhuận từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.

Được biết, mô hình nuôi ong được thị xã Sơn Tây đặc biệt quan tâm, dành những điều kiện thuận lợi nhất để mô hình phát triển. Ông Nguyễn Xuân Quyền – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Kim sơn cho biết: Từ năm 2017, thị xã Sơn Tây đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Các hộ tham gia chương trình được UBND thị xã được hỗ trợ 300 đàn ong và 1.000 vỏ thùng ong. Sản lượng mật bình quân hàng năm của các hộ nuôi ong Kim Sơn đạt khoảng 40.000 lít mật. Ngoài doanh thu từ khai thác mật các hộ còn tập trung nhân đàn, tách đàn bán giống, bán phấn hoa và các sản phẩm khác mang lại nguồn thu nhập thường xuyên từ 150 triệu – 800 triệu đồng/hộ/năm trở lên.

Hiện nay tổ hợp tác ong mật Kim Sơn ký hợp đồng cung cấp mật ong, đàn ong giống cho cơ sở ong mật Vinh Hoa xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. Hiện tại, cùng với Kim Sơn, một số xã, phường khác như Sơn Đông, Cổ Đông, Trung Sơn Trầm, Xuân Sơn, Thanh Mỹ… cũng đang học tập và mở rộng mô hình nuôi ong lấy mật. Việc tham gia tổ liên kết đã giúp cho các hộ thành viên thuận lợi trong tiếp cận khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và khâu tiêu thụ sản phẩm.

Với lợi thế là cái nôi sản sinh ra giống gà quý, gà Mía Sơn Tây, những năm qua, chính quyền địa phương cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tập trung khôi phục, hỗ trợ tổ chức sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu gà mía Sơn Tây nhằm bảo tồn và phát triển chăn nuôi giống gà quý này, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi tại địa phương. Hướng tới lợi ích chăn nuôi lâu dài, chất lượng, năm 2014, Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Mía Sơn Tây đã được thành lập. Hội đã liên kết các hộ chăn nuôi với nhau tạo thành chuỗi chăn nuôi khép kín từ con giống tới giết mổ, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía có gần 30 hội viên, trong đó có một doanh nghiệp chuyên về việc ấp nở và tiêu thụ con giống là Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm thuộc Công ty TNHH MTV Ðầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội - Hadico; 1 Hợp tác xã thực hiện nhiệm vụ chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm gà giống, gà thịt thành phẩm là Hợp tác xã chăn nuôi, thương mại và đầu tư Đoài Phương. Chuỗi liên kết này hoạt động rất hiệu quả, đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể và khẳng định được chất lượng trên thị trường. Anh Nguyễn Huy Ba – Giám đốc HTX chăn nuôi, thương mại và đầu tư Đoài Phương cho biết: Hàng năm Hội cung cấp ra thị trường con giống, chăn nuôi gà thương phẩm, gà thịt sơ chế bao gói cấp đông với sản lượng khoảng 90.000 con/năm. Hoạt động chăn nuôi, ấp nở, thương mại của hội thường xuyên giải quyết việc làm cho 85 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, Hội mới chỉ đang phát huy thế mạnh tiêu thụ con giống và tiêu thụ gà thương phẩm còn gà qua giết mổ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong kết nối với hệ thống các siêu thị lớn. Vì thế, để nâng cao giá trị gia tăng theo chuỗi, HTX chăn nuôi, thương mại và đầu tư Đoài Phương đang tích cực xúc tiến thương mại, tìm hướng ra bền vững cho sản phẩm qua giết mổ.  

Bên cạnh nhân rộng các mô hình chăn nuôi, thị xã Sơn Tây cũng đã duy trì và phát triển các vùng sản xuất rau an toàn phường Viên Sơn và đẩy mạnh phát triển các mô hình khác như: trồng mít tự nhiên tại các xã Sơn Đông, Cổ Đông; mô hình trồng và chế biến trà dược liệu Sơn Đông; mô hình nuôi cá trắm đen tại xã Thanh Mỹ, phường Viên Sơn…

Phường Viên Sơn là vùng sản xuất rau an toàn lớn nhất trên địa bàn thị xã. Hiện phường có 25ha chuyên trồng rau an toàn, trong đó có 6,5ha sản xuất rau VietGAP. Năng suất trung nình đạt 30 tấn/ha/vụ, sản lượng ước đạt 600 tấn/năm, đạt giá trị từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Chủ tịch Hội nông dân phường Viên Sơn cho biết: Hội đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất RAT cho nông dân thông qua các hoạt động tập huấn, chuyển giao TBKT, tuyên truyền về quy trình kỹ thuật sản xuất RAT. Đặc biệt, triển khai mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) trong sản xuất RAT giữa người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.  Sản xuất RAT tại Viên Sơn do HTX nông sản sạch Viên Sơn kết nối, tiêu thụ cho bà con. Hiện đang cung cấp cho các chuỗi cửa hàng và siêu thị trên địa bàn Hà Nội như BigGreen, Sói Biển, Bác Tôm, và một số trường học, bếp ăn tập thể khu công nghiệp trên địa bàn thị xã

Liên kết sản xuất - tiêu thụ được xem là khâu hết sức quan trọng trong nỗ lực tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa nông sản an toàn và bền vững. Điều quan trọng nhất, là giúp giải bài toán “được mùa mất giá”. Việc liên kết sẽ phát huy những lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ, lẫn nhau để thúc đẩy chất lượng và giá trị nông sản, góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các Hợp tác xã trong bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày một lớn hiện nay.

Nhằm tăng cường hỗ trợ các địa phương sản xuất hàng hóa nông sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2018 về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Riêng Hà Nội, Hội đồng nhân dân Thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết số 10 (tháng 12/2018) về một số chính sách khuyến khích sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội. Theo đó, các hình thức hợp tác, liên kết cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tuân thủ các quy định về ATTP, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường,…sẽ được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Những năm qua, nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp của thị xã Sơn Tây đã đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Để tiếp tục duy trì nhóm sản phẩm thế mạnh của Thị xã hiện có và phát triển mới một số sản phẩm thế mạnh dựa trên thuận lợi về điều kiện thổ nhưỡng đất đai, khí hậu nhiệt đới, UBND Thị xã đã xây dựng Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2019-2021, định hướng đến năm 2030, nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và tạo uy tín, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thị xã./.

Lưu Phượng