Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tập trung phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội vừa ban hành thông báo bệnh đạo ôn hại lúa và biện pháp phòng trừ.



Theo thông báo, hiện nay, lúa trà sớm giai đoạn đòng già-trỗ bông, trà trung làm đòng, trà muộn cuối đẻ nhánh - phân hóa đòng. Bệnh đạo ôn lá gây hại trên một số giống nhiễm như J02, BC15, TBR 225, nếp thơm..., tỷ lệ trung bình 7-10% số lá, cao 20-30% số lá, cấp 1-3, cục bộ >50% số lá cấp 5. Diện tích nhiễm 2.430,64 ha. Lúa trà sớm trỗ từ 15-25/4, trà trung trỗ từ 25/4-10/5. Thời gian tới thời tiết tiếp tục ấm, ẩm xen kẽ những đợt gió mùa muộn kèm theo mưa là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, lây lan, gây hại cổ bông, cổ gié lúa.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đề nghị các địa phương và nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của bệnh đạo ôn lá hại lúa, chú ý những diện tích lúa giai đoạn đòng già, những diện tích bị đạo ôn lá gây hại, đặc biệt những giống nhiễm nặng như J02, BC15, TBR 225, nếp thơm... ; Tổ chức phun phòng trừ bệnh đạo ôn hại cổ bông ở những diện tích lúa có >1% số lá đòng hoặc cổ áo lá áp đòng bị bệnh, phun khi lúa bắt đầu trỗ (lúa trỗ được 1-3% số bông), bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu trừ đạo ôn có chứa hoạt chất Tricyclazole, Propiconazole, Isoprothiolane... (Filia 525SE, Bump gold 40SE, Beam 75WP, Ninja 35EC...). Đối với những diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn lá nặng, trỗ gặp mưa thì phải phun nhắc lại lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày. Lưu ý phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Yêu cầu các trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, chỉ đạo nhân viên kỹ thuật Trồng trọt – BVTV cấp xã tăng cường điều tra, phát hiện, phân loại trà lúa, giống lúa, xác định diện tích cần phòng trừ. Thông báo và hướng dẫn phòng trừ bệnh đạo ôn đến từng hộ nông dân, không để bệnh phát sinh gây hại nặng trên diện tích rộng./.

NT (TH)