Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tăng cường tuyên truyền pháp luật bảo vệ công trình thủy lợi

Cụm công trình đầu mối phân lũ sông Đáy có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống lụt bão cho Hà Nội. Vì vậy, ngoài công tác duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo an ninh, an toàn vận hành cụm công trình, Ban quản lý công trình phân lũ sông Đáy còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và thực hiện quy chế phối hợp giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn vận hành cụm công trình trước mùa mưa bão hàng năm.



Hệ thống Cụm công trình đầu mối phân lũ sông Đáy bao gồm: công trình Đập Đáy; công trình cống Vân Cốc; cống Cẩm Đình; cống Hiệp Thuận và kênh dẫn Cẩm Đình-Hiệp Thuận. Sau nhiều lần tu bổ, nâng cấp, bổ sung hệ thống, tháng 4-2008, cụm công trình phân lũ sông Đáy được Bộ NN&PTNT bàn giao về cho tỉnh Hà Tây (cũ) và đến cuối năm 2008, cụm công trình này do UBND TP Hà Nội quản lý. Ban Quản lý công trình Phân lũ sông Đáy Hà Nội được thành lập lại theo Quyết định số 1914 ngày 07/11/2008 của UBND thành phố và trực thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội.

Cụm công trình phân lũ sông Đáy đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống lụt bão cho vùng Thủ đô với nhiệm vụ:

- Chủ động đưa nước sông Hồng vào sông Đáy trong mùa kiệt với lưu lượng tối đa 100m3/s.

- Đưa nước thường xuyên trong mùa lũ với lưu lượng tối đa 450m3/s nhưng không làm ngập các bãi sông nơi có các hoạt động kinh tế cao, không làm ngập bãi Vân Cốc đồng thời không làm ảnh hưởng đến việc tiêu nước trong mùa mưa.

- Thoát được lưu lượng tối đa 2.500m3/s khi xuất hiện lũ đặc biệt lớn có chu kỳ lặp lại lớn hơn 500 năm trên hệ thống sông Hồng hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều khu vực nội thành Hà Nội, sự cố trong quản lý, điều hành hồ chứa…

Từ năm 2009, Ban QL công trình phân lũ sông Đáy được UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội giao nhiệm vụ quản lý, vận hành cụm công trình lấy nước sông Hồng vào sông Đáy để thực hiện dự án cải tạo, nạo vét làm sống lại dòng sông Đáy (hệ thống cống Cẩm Đình, cống Hiệp thuận và kênh dẫn Cẩm Đình, Hiệp Thuận). Ban đã chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện tốt việc quản lý, vận hành đưa nước sông Hồng vào sông Đáy và thực hiện giải tỏa các vi phạm trên kênh gây cản trở dòng chảy trên kênh. Công tác phối hợp được thực hiện thường xuyên, kịp thời, thông tin được phản ánh nhanh chóng, có hiệu quả. Công tác phối hợp tuần tra bảo vệ, phát hiện xử lý và ngăn chặn kịp thời các vi phạm trên toàn tuyến kênh. Bên cạnh đó, một số địa phương đã làm tốt công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật cho nên ý thức của người dân trong việc bảo vệ công trình thủy lợi đã từng bước được nâng lên.

Kênh dẫn cẩm Đình - Hiệp Thuận dài 11.295m nối từ cống lấy nước tại Cẩm Đình đến cống Hiệp Thuận, chạy qua địa phận 11 xã của huyện Phúc Thọ là Cẩm Đình, Võng Xuyên, Xuân Phú, Long Xuyên, Thượng Cốc, Hát Môn, Ngọc Tảo, Tam Thuấn, Tam Hiệp, Thanh Đa và Hiệp Thuận. Năm 2010, Quy chế phối hợp giữ gìn an ninh trật tự giữa Ban quản lý công trình phân lũ sông Đáy và UBND 11 xã thuộc huyện Phúc Thọ có tuyến kênh dẫn Cẩm Đình – Hiệp Thuận đi qua được các bên ký kết với mục đích phối hợp tăng cường công tác bảo vệ an toàn công trình. Để tăng cường hơn nữa công tác phối hợp tuần tra, xử lý vi phạm, các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn cũng như trên tuyến kênh dẫn, sau 05 năm thực hiện quy chế, tháng 1/2016, Ban quản lý công trình phân lũ sông Đáy đã tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, sửa đổi bổ sung và tiếp tục ký quy chế phối hợp với UBND 11 xã và Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh (đơn vị quản lý, sử dụng 11 bãi chứa đất thải phục vụ nạo vét tuyến kênh và hành lanh bảo vệ bờ hữu tuyến kênh dẫn Cẩm Đình – Hiệp Thuận).

Ngay sau khi Quy chế phối hợp được ký kết, Ban quản lý công trình phân lũ sông Đáy đã phối hợp với các địa phương, đơn vị, cơ quan liên quan tiến hành tuần tra, ngăn chặn và xử lý các vi phạm tuyến kênh. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân dọc các tuyến kênh tự giác tháo dỡ vi phạm, trả lại mặt bằng cho Công trình. Tuy nhiên, đến nay tại vị trí các đầu cầu trên kênh vẫn tồn tại 1 số các vi phạm, như các lều lán, nhà tạm, nhà kiên cố,...đã lấn chiếm mặt bằng công trình. Những vi phạm này đã tồn tại từ lâu, trước khi Công trình kênh dẫn Cẩm Đình – Hiệp Thuận được bàn giao cho Ban quản lý nên gặp nhiều khó khăn trong xử lý, cần có sự quyết liệt của chính quyền địa phương và ý thức tự giác của các hộ vi phạm.

Năm 2019, nhằm tuyên tuyền, phổ biến pháp luật cho nên ý thức của người dân trong việc bảo vệ công trình thủy lợi, Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về đê điều, thủy lợi và luật phòng, chống thiên tai cho nhân dân trên địa bàn. Hội nghị không chỉ nhằm giới thiệu về vai trò, tầm quan trọng của Cụm công trình phân lũ, mà qua đó còn nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong công tác bảo vệ và đảm bảo an toàn công trình, từ đó phối hợp với Ban QL công trình phân lũ sông Đáy, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo vận hành cụm công trình an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, trước mùa lũ hàng năm, Ban QL công trình phân lũ sông Đáy đã chủ động phối hợp với UBND 2 huyện Đan Phượng và Phúc Thọ trong việc đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai và thực hiện lệnh vận hành chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy; ký biên bản thỏa thuận phối hợp để tổ chức thực hiện khi có tình huống phải chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy. Trong quá trình tổng kiểm tra vận hành hàng năm, thông tin liên lạc thông suốt; lưới điện đảm bảo ổn định, không có sự cố; công tác đảm bảo an ninh trật tự được thực hiện tốt, không có các tình huống mất trật tự, an ninh xảy ra trong quá trình vận hành.

Với vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống lụt bão cho Hà Nội, cho nên công tác duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo an ninh, an toàn vận hành cụm công trình Phân lũ sông Đáy được Sở NN&PTNT Hà nội giao cho BQL công trình và xem đây là nhiệm vụ cấp bách trước mỗi mùa mưa lũ hàng năm.  Trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực, đổi mới của BQL Công trình, cần có sự phối hợp chặt chẽ, liên tục của chính quyền cơ sở, các đơn vị liên quan và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trên địa bàn nhằm bảo vệ và giữ gìn cụm công trình thủy lợi quan trọng này, để công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, giữ gìn an ninh trật tự cụm công trình đầu mối phân lũ sông Đáy đúng quy trình, quy phạm, bảo đảm cho cụm công trình luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy./.

                                                                        Lưu Phượng