Tuy nhiên việc nuôi chó như thế nào, quản lý ra sao là điều cần được quan tâm để người chăn nuôi thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật. Trên thực tế đã có không ít trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng vắc xin dại để chó mắc bệnh dại cắn người gây tử vong. Hơn nữa nhiều người có thú vui nuôi những giống chó rất to (có con nặng khoảng 40 – 50 kg) lại không quản lý tốt, để chó thả rông cắn người gây thương tích. Nhiều gia đình có trẻ nhỏ, người cao tuổi trong quá trình nuôi không để ý, không quản lý tốt để chó tấn công người gây nên nhiều vụ việc đau lòng, thương tâm. Mặt khác việc nuôi chó có nhiều tiện ích song con vật cũng làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, nếu chó thả rông sẽ phóng uế bừa bãi nhất là ở các khu vực vui chơi giải trí, đường phố, nơi công công, công viên làm mất mỹ quan đô thị. Có những hộ nuôi nhiều, gây tiếng ồn trong khu dân cư, nhất là ở những khu đông dân, khu chung cư, nhà cao tầng. Thực trạng này là một báo động trong việc quản lý chó nuôi nếu các cấp chính quyền không tập trung quan tâm chỉ đạo.
Quận Thanh Xuân hiện có 11 phường, hiện nay tổng đàn chó, mèo có 2.922 con (chó 2.300 con). Những năm qua, Quận đã có nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện việc quản lý chó nuôi trên địa bàn, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2019, Quận Thanh Xuân đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y, cùng các ngành thuộc quận và Ủy ban nhân dân các phường triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Cụ thể thống kê đàn chó trên hệ thống quản lý Drive, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Dại đạt tỷ lệ 100% số chó, mèo trong diện phải tiêm. Hàng tháng tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh, mới nhập đàn.
Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cụm dân cư, các khu chung cư nhà cao tầng để nâng cao nhận thức cho người dân. Nội dung tuyên truyền đi sâu vào các quy định của pháp luật về trách nhiệm của người chủ nuôi chó, mối nguy hại của bệnh dại, tuyên truyền để người dân không nên nuôi những chó có trọng lượng lớn, giống chó giữ khi gia đình đang có trẻ nhỏ, người cao tuổi, lưu ý khi nuôi phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không để chó gây ồn ào ảnh hưởng đến gia đình xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đảm bảo có người dắt và phải được dọ mõm, không để chó tấn công người khác. Đồng thời Quận đã tổ chức in, phát tờ rơi, tuyên truyền rõ các chế tài xử phạt để người chăn nuôi biết thực hiện; Tổ chức 5 lớp tập huấn chuyên đề về bệnh Dại, cách phòng tránh, các quy định và chế tài xử phạt cho gần 400 bí thư,tổ trưởng các tổ dân phố để về triển khai truyền đạt lại nội dung trong các buổi họp dân phố; Tổ chức 02 lớp tập huấn về kỹ năng bắt và xử lý chó thả rông cho 6 Đội xung kích.
Về công tác bắt giữ và xử lý chó thả rông trên địa bàn, sau khi đánh giá rút kinh nghiệm mô hình “Bắt chó thả rông phòng trừ bệnh Dại” năm 2018 tại phường Khương Đình, UBND quận lựa chọn tiếp 5 phường (nơi có tổng đàn chó, mèo lớn, nơi còn nhiều tình trạng chó thả rông gây bức xúc trong nhân dân) để thành lập tiếp 5 Đội xung kích bắt chó thả rông (năm 2020 sẽ thành lập tại các phường còn lại); UBND quận xây dựng kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt việc bắt và xử lý chó thả rông trên địa bàn quận Thanh Xuân, giao Trạm Chăn nuôi & Thú y tập huấn kỹ năng bắt chó cho thành viên các Đội xung kích, xây dựng quy trình để hướng dẫn UBND các phường tổ chức bắt và xử lý chó thả rông đúng quy định,các điều kiện và dụng cụ phục vụ bắt chó, xử lý chó sau khi bắt về, địa điểm lưu giữ, thời gian lưu giữ, quy trình chuyển giao cho chủ vật nuôi đến nhận và quy trình xử lý những trường hợp chó vô chủ. Các Đội xung kích được quận cấp và trang bị đầy đủ dụng cụ bắt chó (chuồng, vợt…); hỗ trợ kinh phí công đi bắt chó cho các thành viên; Chỉ đạo UBND các phường thành lập Đội xung kích bắt và xử lý chó thả rông (biên chế 7 người/đội); Tổ chức đi bắt trung bình khoảng tuần 1 buổi hoặc do đề xuất của tổ dân phố theo phương thức không thông báo trước để tránh trường hợp người dân đối phó trong việc quản lý chó nuôi trên địa bàn phường, cụm dân cư.
Điều đáng ghi nhận 6 tháng đầu năm 2019 đến nay11/11 phường có đầy đủ sổ theo dõi thông tin chó, mèo theo quy định, có họ, tên chủ vật nuôi, số lượng chó nuôi và ngày, tháng, năm tiêm vắc xin Dại; Số chó thả rông trên địa bàn quận đã giảm khoảng gần 80% so với trước đây. Về số chó vi phạm bị bắt giữ 15 con, số tiền xử phạt chủ nuôi chó do vi phạm 7,7 triệu đồng. Số lượng trên tuy không lớn song điều quan trọng là đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân cùng các cấp, các ngành quyết liệt trong công tác quản lý chó nuôi tránh những rủi ro, vụ việc đau lòng do chó gây nên. Việc làm cũng tạo được tâm lý cho chính người dân, chủ nuôi chó phải xác định là đã nuôi chó phải tuân thủ quy định của pháp luật bảo vệ lợi ích chung, cộng đồng xã hội, hình ảnh đẹp, cảnh quan môi trường. Hơn nữa tổ chức tốt việc bắt và xử lý chó thả rông được thực hiện tại quận Thanh Xuân là một mô hình rất phù hợp trong tình hình hiện nay và bước đầu đã đáp ứng được vấn đề nóng xã hội đang quan tâm đó là tình trạng nuôi chó và những hệ lụy do việc chăn thả chó không đúng quy định gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua; Đây cũng chính là một giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ gia súc sang người, đảm bảo sức khỏe nhân dân;
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, trong lĩnh vực quản lý chó nuôi trên địa bàn quận cũng đang gặp không ít khó khăn, đó là việc chăn nuôi chó, mèo nhỏ lẻ trong dân, số hộ chăn nuôi lớn, việc đăng ký nhân đàn, biến động, tổ chức tiêm phòng cho chó, mèo mới phát sinh thường chưa đáp ứng kịp thời. Phương tiện, dụng cụ bắt chó còn quá thô sơ, tự nghiên cứu, tuy phù hợp đi vào ngõ ngách nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người trực tiếp làm nhiệm vụ, không bắt được các loại chó ngoại lai to lớn; Chi phí nuôi nhốt và chăm sóc chó vi phạm chưa được quy định mức chi cụ thể. Đặc thù chó thường có thú tính tấn công người nên việc bắt giữ chó nhất là chó có trọng lượng lớn, chó thả rông gặp không ít khó khăn, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng, mất an toàn giao thông, tai nạn lao động đối với người tham gia bắt giữ chó và người đi đường.
Những giải pháp trong thời gian tới Quận Thanh Xuân đã và đang tập trung làm là nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác quản lý chó nuôi ở từng phường, cụm dân cư, tổ dân phố. Đặc biệt có kế hoạch xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dại theo quy định của Luật Thú y trên địa bàn quận, một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn bệnh Dại bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đồng thời làm tốt hơn nữa công tác truyền thông tới cộng đồng, kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kiên quyết xử lý vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó không chấp hành quy định trong quản lý chó nuôi theo quy định.
Với những giải pháp quyết liệt đồng bộ, cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của người dân chắc chắn việc quản lý chó nuôi ở Quận Thanh Xuân tiếp tục có chuyển biến tích cực trong thời gian tới./.
Nguyễn Ngọc Sơn