Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhân rộng diện tích trồng bưởi đỏ Bánh men

Xã Tráng Việt, huyện Mê Linh có một giống bưởi mang tên bưởi đỏ Bánh men. Nhờ giá trị kinh tế cao, có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhiều địa phương, loại quả đặc sản này đang được ngành nông nghiệp Hà Nội đầu tư nhân rộng diện tích.



Ông Nguyễn Văn Hạ ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt đang sở hữu vườn bưởi hơn 20 tuổi cho hay, bưởi Bánh men do cụ Đàm Văn Tiến mang về địa phương trồng từ năm 1950. Giống bưởi này khi còn non quả màu xanh, nhưng khi chín bưởi chuyển dần từ màu vàng sang màu đỏ rất đẹp; khi ăn có mùi thơm đặc trưng, vị chua dịu, mát.

Thấy lạ và ngon miệng, nhiều người trong thôn kéo nhau đến nhà cụ Tiến xin chiết cành về trồng. Từ đó, giống bưởi này sinh trưởng, phát triển mạnh mẽ, vườn nhà nào cũng trồng vài ba cây. Ngoài phục vụ nhu cầu gia đình, nhiều người còn dùng làm quà biếu như món đặc sản quê hương.

Khi kinh tế nông nghiệp có sự chuyển dịch, nhiều hộ dân đã chặt bỏ dần cây bưởi đỏ để trồng rau màu hoặc sử dụng đất vào mục đích khác. Nếu những năm 1960 - 1970, thôn Đông Cao rực rỡ màu đỏ của bưởi thì đến giai đoạn 2000 - 2007, chỉ có vài hộ còn lưu cây quý trong vườn nhà. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhận thấy bưởi đỏ Bánh men vừa có thể trồng vừa lấy quả, vừa làm bóng mát nên dần dần người dân quay lại trồng giống bưởi này.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tráng Việt Lương Văn Phương cho biết, bưởi đỏ Bánh men nặng trung bình 0,8 - 1,2kg/quả, múi đều, tôm ráo, mọng nước. Chăm sóc tốt, mỗi cây cho từ 250 - 300 quả, với giá bán bình quân 25.000 đồng/quả; nếu bưởi để dành phục vụ dịp Tết Nguyên đán có thể bán được giá từ 60.000 - 70.000 đồng/quả. Những năm gần đây, không chỉ phục vụ thị trường Hà Nội, bưởi đỏ Bánh men còn được tiêu thụ ở thị trường phía Nam với số lượng khoảng 10.000 quả vào dịp Tết.

Theo thống kê của UBND xã Tráng Việt, toàn xã hiện có 6ha bưởi đỏ Bánh men, trong đó khoảng 3ha cây lâu năm (20 - 35 tuổi), số còn lại cũng được từ vài năm trở lên. Những gia đình lưu giữ cây bưởi gốc đang thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhân giống, phục vụ nhu cầu thâm canh và kinh doanh.

Để gìn giữ và phát triển giống bưởi đặc sản này, thời gian qua, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và UBND xã Tráng Việt tập trung phân loại, nghiên cứu nguồn giống làm cơ sở để bảo tồn tại chỗ, khôi phục nguồn gen, phát huy tính trội và có kế hoạch nhân rộng bưởi đỏ Bánh men.

Theo kế hoạch, Tráng Việt sẽ nhân rộng diện tích trồng bưởi đỏ Bánh men lên 15ha và xây dựng vườn ươm giống chất lượng cao để cung cấp cho nhiều nơi trên cả nước. Cùng với đó, xã cũng định hướng đầu tư phát triển hạ tầng để phát triển kinh tế gắn với du lịch miệt vườn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân./.

TX (Theo Báo KTĐT)