Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mô hình chăn nuôi theo Chuối liên kết: Giải pháp hữu hiệu đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn và phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững tại Hà Nội

Hà Nội có lợi thế về đất đai với nhiều vùng đồi gò, vùng ven sông thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò, nhiều vùng chiêm trũng thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia cầm, thủy cầm. Hơn nữa tỷ lệ người dân sinh sống ở vùng nông thôn ở các quận, huyện, thị xã còn khá cao nên đã coi chăn nuôi là một nghề để phát triển kinh tế.



Hiện tại đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội luôn đứng ở tốp đầu cả nước với đàn gia cầm khoảng 30 triệu con (đứng đầu cả nước), đàn lợn thời điểm chưa xảy ra Dịch tả lợn Châu phi khoảng 1,87 triệu con (đứng sau tỉnh Đồng Nai), đàn trâu bò khoảng 180 ngàn con (bò sữa khoảng 15 ngàn con).

Để phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững, những năm qua Thành phố đã có nhiều chính sách để khuyến khích phát triển chăn nuôi, nổi bật là chính sách hỗ trợ giống, phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi theo quy mô lớn ngoài khu dân cư, chính sách hỗ trợ vắc xin, hóa chất cho công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là chính sách khuyến khích chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi, từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm thúc đẩy để chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững. Điển hình trong 3 năm (giai đoạn 2015-2018) Hà Nội đã xây dựng 11 mô hình phát triển chăn nuôi theo chuỗi liễn kết đã có kết quả rất tốt như Chuỗi gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây; chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai; chuỗi thịt lợn sinh học Liên Việt; chuỗi thịt lợn hữu cơ Bảo Châu; chuỗi thực phẩm AZ, chuỗi thực phẩm Greenfood; chuỗi thực phẩm 3F; chuỗi thực phẩm Tiên Viên; chuỗi thịt bò Hà Nội; chuỗi sữa Ba Vì;

Các nội dung chuyên môn và hoạt động chính của liên kết chuỗi là thông qua các cơ quan quản lý nhà nước để được hướng dẫn, hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu cho đào tạo nhân lực (kể cả cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật, công nhân lao động ...). Nội dung đi sâu vào nâng cao kiến thức về vai trò lợi ích khi tham gia chuỗi, về an toàn thực phẩm, về xử lý chuyên môn, hoạt động kinh doanh dịch vụ, kỹ năng giao tiếp bán hàng. Tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác đã có liên kết chuỗi kể cả các tổ chức trong nước và nước ngoài.

Hỗ trợ xây dựng và áp dụng triệt để quy trình chăn nuôi và quy chế quản lý chất lượng sản phẩm tại các chuỗi. Hướng dẫn điều kiện và trình tự xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi tại các chuỗi. Đến nay các mô hình liên kết chuỗi trên đã có trên 40 hộ chăn nuôi lợn, gia cầm áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hỗ trợ kiểm chứng, đánh giá điều kiện đáp ứng an toàn thực phẩm tại các chuỗi thông qua phân tích mẫu nước phục vụ chăn nuôi, giết mổ và mẫu thức ăn sử dụng trong chăn nuôi tại các chuỗi, qua đó có biện pháp tác động kịp thời để đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm cho các chuỗi;  Về trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, tùy điều kiện với ngành nghề chăn nuôi để có sự hỗ trợ một phần của Nhà nước và quan trọng hướng dẫn để các chủ hộ chủ động đầu tư như máy vắt sữa, kho lạnh, thiết bị bảo quản sản phẩm động vật, tờ rơi giới thiệu sản phẩm,...

Trên thực tế những năm qua Thành phố đã hỗ trợ các chuỗi liên kết trong chăn nuôi khoảng 50 máy vắt sữa cho các hộ chăn nuôi bò sữa, xây dựng 20 điểm bán và giới thiệu sản phẩm cho các mô hình chuỗi; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi bằng mã QR CODE, từ đó giúp các chuỗi minh bạch quá trình sản xuất, tạo niềm tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm. Bên cạnh đó hỗ trợ các chuỗi trong công tác tuyên truyền với nhiều hình thức để người tiêu dùng biết về các sản phẩm an toàn trong chuỗi liên kết. Như in tờ rơi giới thiệu sản phẩm của các chuỗi cho người tiêu dùng, ký hợp đồng thuê khoán chuyên môn để hướng dẫn các hộ chăn nuôi tuân thủ tốt các quy trình sản xuất. Hướng dẫn ghi chép, cập nhật các thông tin diễn biến từ khâu chăn nuôi, giết mổ, đóng gói sản phẩm đến thiết lập hệ thống theo dõi phục vụ hoạt động truy suất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.

Kết quả đáng ghi nhận trong chuỗi liên kết được khẳng định trong những năm qua được các cấp các ngành và người dân ghi nhận. Về hiệu quả kinh tế khi xây dựng chuỗi liên kết gắn kết được các hộ nông dân, hình thành các nhóm, tổ, đội và hợp tác xã chăn nuôi. Tập hợp được những con người có cùng tâm huyết, cùng có mục đích muốn chăn nuôi bền vững. Chủ động được thị trường tiêu thụ sản phẩm, tránh được tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa" thường xảy ra trong phát triển nông nghiệp. Đảm bảo chắc chắn giảm chi phí đầu vào, nhiều đơn vị cung cấp đầu vào cũng sẽ muốn bán hoặc tiêu thụ sản phẩm cho cơ sở chăn nuôi đã tham gia liên kết chuỗi.

Việc tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm được quản lý, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch và được tuyên truyền rộng rãi từ đó người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm giúp gia tăng giá trị sản phẩm từ 15 – 20 % so với sản phẩm khi chưa được sản xuất theo chuỗi và mở rộng thị trường, nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống các đại lý, nhà phân phối, cửa hàng tiện tích trên địa bàn cả nước.

Một số kết quả nổi bật của các chuỗi liên kết thực hiện trong 3 năm qua đó là sản lượng thịt lợn đạt 6,25 tấn/ngày, thịt gia cầm đạt 4,05 tấn/ngày, sản lượng trứng gà đạt 80 nghìn quả/ngày, sản lượng sữa bò tươi đạt 78 tấn/ngày, sản lượng thị bò đạt 2,15 tấn/ngày, xây dựng 13 nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi cho các chuỗi. Từ việc triển khai xây dựng 11 mô hình chuỗi giá trị và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP trên địa bàn Thành phố đến nay đã mở rộng được 26 mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các chuỗi đã bước đầu hoàn thiện với đầy đủ các nhóm tác nhân liên kết hợp tác trên cơ sở hợp đồng quy định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết; Hồ sơ pháp lý cho các chuỗi đã cơ bản được hoàn thiện (Giấy chứng nhận ATTP đối với cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế đóng gói; Hồ sơ công bố phù hợp quy định ATTP cho các sản phẩm của các chuỗi...); Đến thời điểm này, hàng ngày các chuỗi đang cung cấp cho thị trường khoảng 8,45 tấn thịt gia cầm; 29 tấn thịt lợn, 2,15 tấn thịt bò; 165 nghìn quả trứng; 79 tấn sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò. Xây dựng được trên 20 cửa hàng, điểm bán và giới thiệu các sản phẩm của các mô hình chuỗi trên địa bàn Thành phố trong đó tập trung chủ yếu tại các quận nội thành;

Bên cạnh đó, xây dựng liên kết chuỗi còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước từ chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; Hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc; từ đó tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi, tăng cường khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi với hội nhập quốc tế. Tạo ra các sản phẩm chăn nuôi an toàn thực phẩm được kiểm soát chất lượng ở tất cả các khâu; Giúp các tác nhân sản xuất nâng cao ý thức sản xuất đảm bảo an toàn, có trách nhiệm đối với người sử dụng;Tạo ra một hướng mới trong phát triển chăn nuôi tại Hà Nội trong thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng. Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng sử dụng thực phẩm an toàn, chất lượng. Tạo việc làm cho nhiều nông dân, tạo thành một nghề chăn nuôi ổn định, nâng cao thu nhập; giúp người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên việc xây dựng liên kết chuỗi hiện nay cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế đó là còn thiếu các Doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nên chưa đa dạng hóa được sản phẩm, chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm chăn nuôi. Thói quen sử dụng thịt mát, thịt cấp đông của đa số người tiêu dùng vẫn chưa được cải thiện. Phần đông người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng thịt nóng nên đã cản trở sự phát triển của hệ thống cửa hàng tiện tích chuyên bán và giới thiệu các sản phẩm chăn nuôi. Đặc biệt về cơ chế chính sách còn chưa đầy đủ để khuyến khích, tạo động lực cho các thành phần, nhất là các Doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi.

Giải pháp trong thời gian tới của Hà Nội là tập trung nhân rộng các mô hình điểm về chuỗi liên kết chăn nuôi đã có hiệu quả trong thời gian qua. Tiếp tục tạo điều kiện để các mô hình chuỗi phát triển hơn nữa, trong đó tập trung một số chuỗi về chăn nuôi lợn (như chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai; thịt lợn sinh học Liên Việt; thịt lợn hữu cơ Bảo Châu; chuỗi thực phẩm AZ ...) để đáp ứng sự hụt hẫng về thịt lợn khi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra làm ảnh hưởng rất lớn tới tổng đàn lợn của Thành phố (đã phải tiêu hủy khoảng trên 25% tổng đàn lợn, đến thời điểm tháng 7/2019 đàn lợn còn khoảng 1,25 triệu con). Đồng thời đi sâu phát triển các chuỗi chăn nuôi bò thịt và gia cầm để tận dụng lợi thế sẵn có, tận dụng sản phẩm nông nghiệp, vùng bãi rất có điều kiện phát triển cả về số lượng và chất lượng, chú trọng hơn nữa việc phát triển tạo ra các sản phẩm hữu cơ, sinh học.

Ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu Thành phố có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi, các chính sách phải được tập trung đều ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm để động viên khuyến khích kịp thời cho các tác nhân tham gia phát triển chuỗi. Thu hút và lấy Doanh nghiệp là đầu tàu cho việc phát triển liên kết các chuỗi. Lựa chọn Doanh nhiệp có tiềm năng, chủ doanh nghiệp có tâm huyết, có khả năng đầu tư lâu dài trong chăn nuôi, có tư duy về xây dựng chuỗi liên kết và sẵn sàng chia sẻ lợi ích với các hộ chăn nuôi. Các chuỗi đều phải gắn với cơ sở giết mổ, sơ chế đóng gói đảm bảo An toàn thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm của các chuỗi.

Chắc chắn với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các doanh nghiệp, người tiêu dùng, người chăn nuôi, các mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới để các sản phẩm chăn nuôi được cung cấp ra thị trường đảm bảo an toan thực phẩm và chăn nuôi được phát triển hiệu quả, bền vững./.

Nguyễn Ngọc Sơn