Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội quyết liệt khống chế, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Hà Nội hiện có gần 2 triệu con lợn (đứng thứ 2 sau tỉnh Đồng Nai) chăn nuôi tập trung tại 18 huyện, thị xã, trong đó có 283 công ty, xí nghiệp, HTX, Trung tâm, doanh nghiệp (như Công ty CP, Dabaco, Việt Hưng, JaFa, HTX chăn nuôi huyện Đan Phượng, Công ty cổ phần giống vật nuôi Hà Nội, HTX Hòa Mỹ, Công ty Giống gia súc Hà Nội... chiếm khoảng 22% tổng đàn lợn toàn Thành phố.



Do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc động vật của người dân Thủ Đô rất lớn; tổng đàn lợn lớn, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng còn chiếm tỷ lệ cao (trên 60 %); Mặt khác, Hà Nội giáp với 08 tỉnh thành, có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm (cả đường không, đường bộ, đường thủy). Cùng với đó là gia tăng các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân, đặc biệt là khu vực đã và đang có dịch bệnh hoạt động vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến cũng có thể chứa virus Dịch tả lợn Châu phi là rất cao. Hiện tại trên địa bàn có cơ sở giết mổ lợn tập trung lớn, khoảng 1.800 – 2.000 con/ngày trong đó gần 60% nhập từ các tỉnh, thành về nên Hà Nội đã xảy ra bệnh Dịch tả Châu Phi với ca nhiễm đầu tiên tại Phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (với tổng đàn 25 con). Tính đến nay (ngày 03/4/2019), các ổ dịch xảy ra ở 180 hộ thuộc 40 xã, phường thuộc 12 quận, huyện; tổng lợn tiêu hủy là 2.948 con. Trong đó theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến tháng 2/2019, đã có 20 Quốc gia báo cáo có bệnh Dịch tả lợn Châu phi và các nước đã phải tiêu hủy trên 1,08 triệu con; Tại Việt Nam, đến ngày 03/4, dịch bệnh đã xảy ra tại 23 tỉnh, thành với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy khoảng 105 ngàn con.

Trước diến biến phức tạp của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành, các giải pháp trong công tác chống dịch được thực hiện đồng bộ. Về chỉ đạo ngay từ tháng 9/2018 đến nay Thành phố đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo đến các cấp các ngành, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra việc triển khai tại các quận, huyện, thị xã. Qua kiểm tra đã kịp thời đôn đốc nhắc nhở, chấn chỉnh các cơ sở thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp như phải có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trong công tác ứng phó với dịch bệnh. Phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể (nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên …) cùng vào cuộc tuyên truyền vận động người dân cùng tham gia chống dịch.

Ở những nơi đã xảy ra dịch hướng dẫn việc tiêu hủy lợn đúng quy trình, nhất là những nơi không có điều kiện thực hiện việc tiêu hủy tại chỗ phải mang ra nơi công cộng xa khu dân cư tiêu hủy. Việc bắt giữ, vận chuyển lợn từ gia đình đến nơi tiêu hủy (có nơi xa 1 – 2km) nếu không thực hiện tốt quy trình sẽ làm mầm bệnh lây lan cả khu vực. Việc hỗ trợ các hộ chăn nuôi khi có lợn bị tiêu hủy đảm bảo kịp thời để chủ hộ sớm tái sản xuất, hơn nữa nhằm tránh các hộ giấu dịch, bán chạy.

Tập trung tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để mọi người, mọi nhà chủ động phòng chống dịch bệnh ngay từ cơ sở, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách hỗ trợ tiêu hủy khi dịch bệnh xảy ra để người dân thực hiện tốt việc khai báo dịch bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt “5 không”: không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Thực hiện tổng tẩy uế môi trường để ngăn chăn dịch bệnh, đồng thời tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin (tụ huyết trùng, dịch tả lợn, Phó thương hàn, đóng dấu, tai xanh, lở mồm long móng ...) để tạo miễn dịch chủ động chống kế phát Dịch tả lợn Châu Phi; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập lợn từ các địa phương, đặc biệt tại các cơ sở giết mổ lớn tại huyện Thanh Trì, Chương Mỹ, Mê Linh. Duy trì hoạt động các Chốt kiểm. Duy trì nghiêm túc trực 24/24h tại Chi cục Chăn nuôi Thú y để tiếp nhận thông tin kịp thời xử lý các tình huống phát sinh dịch bệnh. Bên cạnh đó ngành Thú y tập trung nâng cao năng lực chuyên môn cho hệ thống thú y cơ sở sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong việc chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán nhanh dịch bệnh Dich tả lợn Châu Phi.

Với những giải pháp quyết liệt trên đến nay sau gần 2 tháng xảy ra ổ dịch đầu tiên, Hà Nội là địa phương có tổng đàn lợn rất  lớn (2 triệu con) nhưng hiện có số lợn phải tiêu hủy là rất nhỏ so với các tỉnh, thành phố đã xảy ra dịch bệnh với 2.948 con/105.000 con/23 tỉnh, thành phố. Hà Nội cũng là địa phương đã dập tắt được ổ dịch đầu tiên của bệnh dịch tả lợn Châu Phi mà không có phát sinh ổ dịch mới tại quận Long Biên. Các ổ dịch chỉ xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi theo hướng tận dụng. Chưa phát hiện ổ dịch nào xảy ra tại các trang trại có quy mô lớn.

Tuy nhiên thời tiết khí hậu còn diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch  tả Châu Phi và các loại dịch bệnh nguy hiêm khác (như Tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả cổ điển …) là rất cao, đặc biệt với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khó kiểm soát. Hà Nôi đang tiếp tục thực hiện một số giải pháp đó là tăng cường quản lý thức ăn dư thừa, từ các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể vì đây chính là nguyên nhân gây bệnh ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi tận dung. Tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, người tiêu dùng, đổi mới tuyên truyền để người dân sử dụng thịt lợn và sản phẩm từ lợn, không quay lưng lại với thịt lợn góp phần ổn định thị trường tiêu thụ, phát triển sản xuất. Tuyên truyền để người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, có như vậy mới ngăn chặn được bệnh Dịch tả Châu Phi ở các hộ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ. Tăng cường thực hiện công tác kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ, tiếp tục duy trì hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành, thành lập tổ kiểm dịch lưu động để chủ động xử lý các hoạt động lưu thông lợn và các sản phẩm từ lợn, ngăn chặn có hiệu quả lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc. Tập trung thực hiện công tác tổng tẩy uế môi trường, phát động để các hộ chăn nuôi chủ động làm từ trong ra ngoài cùng cộng đồng làm sạch môi trường. Giám sát chặt chẽ dịch bệnh từ các thôn xóm, kịp thời xử lý ngay ổ dịch phát sinh không để lây lan trên diện rộng. Đảm bảo đủ vật tư, hóa chất để xử lý các ổ dịch, cũng như công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn toàn Thành phố.

Chắc chắn với những giải pháp trên được các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ cùng sự đồng thuận của người chăn nuôi, người tiêu dùng, công tác phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục có chuyển biến tích cực./.

                                               Nguyễn Ngọc Sơn