Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội: Phát triển nông nghiệp từ tái cơ cấu

Qua việc triển khai Đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật khi đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung, từng bước phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.



Điển hình như huyện Đan Phượng, sau khi trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của Thành phố, Đan Phượng đã tích cực tổ chức thực hiện, cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Thành phố đề ra.

Ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, huyện tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đến nay, huyện Đan Phượng đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như: Vùng sản xuất hoa chất lượng cao tại các xã Hạ Mỗ, Song Phượng, Đan Phượng, Đồng Tháp… với diện tích 450 ha; vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 172 ha; vùng trồng cây ăn quả với diện tích 496 ha… Giá trị sản xuất tại các vùng sản xuất tập trung đạt bình quân từ 300 đến 800 triệu đồng/ha canh tác. Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hình thành, hàng năm đều mở rộng quy mô sản xuất, tiêu biểu như: Mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp tại xã Phương Đình, Đan Phượng và 4 mô hình sản xuất công nghệ cao, rau hữu cơ tại xã Đan Phượng, Song Phượng, Thọ Xuân…

Một trong những kết quả nổi bật trong 5 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô là những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay Thành phố đã có 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới”. Năm 2018, có 4 huyện gồm: Gia Lâm, Phúc Thọ, Quốc Oai và Thạch Thất đăng ký đạt chuẩn huyện nông thôn mới và đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thẩm định. Đồng thời đã có 325/386 xã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu cho rằng, việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn thực phẩm là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Theo đó, các sở, ban ngành, địa phương của Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa thúc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao vào các lĩnh vực sản xuất. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ mới, thành tựu của cuộc cánh mạng 4.0 vào sản xuất nông nghiệp.

Có thể thấy, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, dựa trên những thành tựu đã đạt được, trong thời gian tới Hà Nội cần tiếp tục phát huy lợi thế là nơi tập trung nguồn tri thức lớn để phát triển trở thành trọng điểm của cả nước về chuyển giao khoa học kỹ thuật giống cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp để gắn kết nông nghiệp vùng ngoại thành với trung tâm. Tiếp tục quan tâm hơn nữa đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, tiến tới xây dựng vành đai xanh cho các nông sản an toàn./.

NT (Theo Chinhphu.vn)