Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đảm bảo ATTP tại các chợ đầu mối

Thực hiện Kế hoạch về kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại các chợ đầu mối và chợ có tính chất chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố, Vừa qua, đoàn kiểm tra do Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nội thành lập đã tổ chức đợt kiểm tra tại các chợ đầu mối và làm việc với các quận, huyện về công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn Thành phố.


Đoàn kiểm tra Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội kiểm tra công tác ATTP tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ, huyện Thường Tín

Theo chân đoàn kiểm tra, chúng tôi có mặt tại Chợ đầu mối Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm lúc 3h 30 sáng. Đây là chợ hạng 1, được UBND Thành phố giao Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội quản lý, kinh doanh khai thác. Chợ hoạt động chủ yếu từ 2h sáng đến 8h sáng hàng ngày. Chợ đầu mối Minh Khai cung cấp một phần lớn nhu cầu rau, củ quả, thực phẩm cho thành phố với sản lượng hàng hóa lưu thông từ 380 đến 400 tấn/đêm. Theo đại diện Ban quản lý Chợ, hiện có 768/960 hộ tiểu thương đã được cấp đăng ký kinh doanh; 708/756 hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ đã được xác nhận kiến thức về ATTP và 100% hộ ký cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm; đã có 111 hộ kinh doanh đăng ký tham gia vào hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông lâm thủy sản của thành phố. Công tác phun khử trùng tiêu độc tại chợ được thực hiện hàng tháng, ngoài ra, từ khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra thì việc rắc vôi bột được tổ chức hàng tuần.

Tuy nhiên, kiểm tra thực tế cho thấy, mặc dù Ban quản lý chợ đã quy hoạch phân lô phân khu đối với từng ngành hàng rau quả, sản phẩm động vât, thủy sản riêng biệt tuy nhiên chưa được thực hiện triệt để, đơn cử như còn tình trạng các sản phẩm rau củ quả để nguyên trong túi nilon đặt trực tiếp trên nền chợ. Mặc dù hầu hết các hộ đã có ý thức trong kinh doanh các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có sổ theo dõi xuất nhập hàng hóa tuy nhiên việc ghi chép không đầy đủ, khó thực hiện truy xuất nguồn gốc; Khu vực sơ chế, kinh doanh đã xuống cấp, một số gian hàng có mái che tạm bợ, đã bị dột, hệ thống thoát nước chưa tốt, nền chợ vẫn còn tình trạng đọng nước, vệ sinh chưa đảm bảo.Tình trạng này cũng bắt gặp tại hầu hết chợ đầu mối khác.

Ðược coi là kênh tiêu thụ hàng hóa chủ yếu, chợ đầu mối đóng vai trò quan trọng trong cung cấp thực phẩm cho người dân Thủ đô. Số lượng thực phẩm về chợ đầu mối ngày càng nhiều vì vậy công tác đảm bảo ATTP, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ tại các chợ đầu mối càng phải được coi trọng. Chợ gia cầm Hà Vỹ, huyện Thường Tín, mỗi ngày mua, bán, trung chuyển hàng trăm tấn gia cầm các loại. Gia cầm từ khắp các tỉnh, thành khác được các tư thương thu gom đem đến chợ, sau đó bán lại cho các tư thương khác để đem về bán ở các chợ trên địa bàn Hà Nội, và một số các tỉnh, thành khác… Công tác kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát hoạt động kinh doanh vận chuyển gia cầm ra vào chợ được Ban quản lý chợ, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng thú y làm tốt. Ông Nguyễn Đăng Thênh – Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, huyện Thường Tín cho biết: Tại chợ có 01 chốt kiểm dịch động vật liên ngành hoạt động 24/24 giờ để đảm bảo kiểm soát về nguồn gốc gia cầm kinh doanh tại chợ; các phương tiện vận chuyển ra vào chợ được phun khử trùng; được Chi cục Chăn nuôi và và Thú y Hà Nội định kỳ lấy mẫu giám sát chủ động đối với sự lưu hành của các chủng vi rút cúm gia cầm;…do đó nhiều năm nay chưa xảy ra bệnh dịch cúm gia cầm tại chợ.

Hàng năm, ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc giết mổ, sơ chế, kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn. Thực hiện hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, ATTP. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP , tiến hành test nhanh và lấy mẫu các sản phẩm động vật kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh, hóa lý và chất tồn dư, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm,…nhờ đó mà tình trạng về vệ sinh thú y và ATTP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo ông Tạ Văn Tường – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, để giải quyết vấn đề ATTP chợ đầu mối, cùng với việc thực hiện quy định trong Thông tư số 11/TT-BNNPTNT ngày 19-8-2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều kiện bảo đảm ATTP đối với chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản, các địa phương, các ngành chức năng cần phối hợp với ban quản lý chợ đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu các hộ ký cam kết kinh doanh những mặt hàng bảo đảm vệ sinh ATTP; tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý, tuyên truyền phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh tại chợ (đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phòng chống dịch bệnh, ghi chép xuất nhập hàng hóa...). Đồng thời, cần có sự đầu tư, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, các hạng mục đã xuống cấp phục vụ hoạt động kinh doanh tại chợ. Về định hướng lâu dài Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu thành phố phát triển các chợ đầu mối quốc tế và khu vực đảm bảo ATTP có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ tạo tiền đề phát triển các chuỗi liên kết sản xuất được đưa vào chợ, tạo kênh tiêu thụ sản phẩm chất lượng, uy tín.

Hà Nội hiện có hai chợ đầu mối và bốn chợ hoạt động mang tính chất đầu mối. 90% sản phẩm nông sản ở chợ đầu mối được trung chuyển, mang đi tiêu thụ ở các chợ dân sinh phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Do đó, việc kiểm soát tốt nguồn gốc nông sản ở chợ đầu mối sẽ cơ bản giám sát được chất lượng các mặt hàng nông sản, thực phẩm bán tại chợ dân sinh.

 Lưu Phượng