Theo báo cáo, từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh thành viên trong Ban điều phối tiếp tục tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố rà soát, quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và triển khai thực hiện công tác phát triển các vùng chuyên canh rau tập trung, quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm mục đích phát triển sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội đã tích cực trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Đồng thời xây dựng và phát triển được 727 chuỗi (tăng 184 chuỗi, đạt 34% so với năm 2018). Riêng Hà Nội duy trì và phát triển 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 56 chuỗi có nguồn gốc động vật, 79 chuỗi có nguồn gốc thực vật. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình, nhãn Đại Thành… . Cấp 8 giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 18 điểm kinh doanh.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã tích cực phối hợp triển khai công tác xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh. Kết quả đạt được như sau: Tỉnh Hòa Bình cấp cho thành phố Hà Nội khoảng 20.000 tấn quả có múi, 250 tấn thịt lợn, 1.500 tấn cá sông Đà, 200 tấn rau hữu cơ; Tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp 40.000 tấn rau, củ, quả, 150 triệu quả trứng gà, 10.000 tấn lợn thịt, 1.700 tấn gà thịt; Tỉnh Lào Cai cung cấp hơn 4.000 tấn rau, 50 tấn thịt, 200 tấn thủy sản...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao sự phối hợp của 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối với Hà Nội để đảm bảo cung ứng thực phẩm an toàn cho Thủ đô. Đồng chí Phó chủ tịch cho rằng, để duy trì được các chuỗi cung ứng, bảo đảm sản lượng lương thực, thực phẩm tiêu thụ cho người tiêu dùng Thủ đô thời gian qua là cả quá trình tích cực. Với những kết quả đạt được, hiện nay Hà Nội đang nỗ lực mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Nam.
Trong thời gian tới, do tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ còn diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu mong muốn các tỉnh, thành phố chung tay cùng Hà Nội quan tâm, thúc đẩy việc cung ứng hàng hóa, nhất là thịt lợn để phục vụ nhu cầu Tết nguyên đán cho Thủ đô. Trong đó, chú trọng tìm kiếm các mặt hàng thay thế thịt lợn, đa dạng mặt hàng thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thành phố Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt, nông sản an toàn với 21 tỉnh, thành phố cùng một số tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp./.
Nguyễn Thúy