Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Công trình phân lũ Đập Đáy: 60 năm ngày bác Hồ về thăm (17/7/1962 - 17/7/2022)

Vừa qua, tại Công trình phân lũ Đập Đáy, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Đập Đáy (17/7/1962 - 17/7/2022).



 

Cách đây 60 năm, ngày 17/7/1962, trong chuyến đi kiểm tra tiến độ tu bổ đê điều ở các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây và Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm, động viên tinh thần cán bộ, công nhân công trình phân lũ Đập Đáy (huyện Đan Phượng). Phát huy truyền thống là đơn vị được Bác Hồ về thăm, trong 60 năm qua, đội ngũ cán bộ công nhân viên chức của Ban Quản lý công trình Phân lũ Đập Đáy, nay là Ban Quản lý và Duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn Hà Nội tiếp tục đoàn kết, vượt qua khó khăn để quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng cụm công trình đầu mối phân lũ sông Đáy đúng quy trình, quy phạm, bảo đảm cho cụm công trình luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ trước mùa mưa bão.

 Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thời kỳ thực dân Pháp cai trị nước ta, trung bình cứ 3 năm thì có 1 năm đê Bắc Bộ bị vỡ gây ra lụt lội. Sông Đáy được coi là dòng phân lưu quan trọng nhất đối với lũ sông Hồng, làm giảm đáng kể mực nước lũ mà hệ thống đê điều phải chịu đựng. Sau khi nghiên cứu kết quả thăm dò địa chất, cuối cùng Công trình phân lũ Đập Đáy đã được thực dân Pháp chọn đặt tại vị trí hạ lưu cầu Phùng, huyện Đan Phượng. Đây là công trình có vai trò trị thủy đặc biệt quan trọng của cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đập được xây dựng trong 3 mùa khô liên tiếp (từ 1934 đến 1937), với hai nhiệm vụ chủ yếu là:

  1. Phân lũ sông Hồng để bảo vệ cho Hà Nội và các tỉnh hạ du với lưu lượng thiết kế là 2.300 m3/s.
  2. Chống lũ, chống úng cho những vùng ven sông Đáy

Theo thiết kế, Cửa van Đập được xây dựng theo kiểu mái nhà lợp bằng gỗ, mái thượng lưu gối lên mái hạ lưu, cả 2 mái đều có bản lề quay gắn liền với bản móng của đập. Đập gồm có 7 cửa, mỗi cửa rộng 33,75m, cao từ cao trình +7,00m đến cao trình  12,50m được nâng lên, hạ xuống nhờ phao và sức đẩy của nước trong hầm phao.

Đập Đáy được thử thách qua các trận lũ lịch sử vào các năm 1940, 1945, 1969 và 1971. Công trình được tiến hành tu bổ, sửa chữa năm 1962 và cải tạo, nâng cấp vào năm 1975.

Dấu ấn ngày Bác Hồ về thăm Đập Đáy (17/7/1962)

 Sau 2 trận lũ năm 1940 và 1945, Đập Đáy không làm được nhiệm vụ như thiết kế do có sai sót kỹ thuật, do đó năm 1962, Công trình đã được tu bổ, sửa chữa, khắc phục các nhược điểm. Ngày 17/7/1962, trong chuyến đi kiểm tra tiến độ tu bổ đê điều ở các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây và Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Đập Đáy, động viên tinh thần cán bộ, công nhân và tìm cách tháo gỡ khó khăn về vật tư, thiết bị cho đơn vị. Với tác phong nhanh nhẹn như một người chỉ huy chính của công trường Bác đã chủ trì cuộc họp sau khi đi kiểm tra thực địa. Không có nghi thức hội nghị, không có tiết mục báo cáo nhận định tình hình, khó khăn, thuận lợi. Bác đã yêu cầu cán bộ kỹ thuật tính toán nhanh nhu cầu vật tư, thiết bị, nhân lực, phương tiện, tiến độ thực hiện. Bác đã hỏi cụ thể từng đồng chí lãnh đạo các địa phương để giao chịu trách nhiệm cụ thể từng việc phục vụ thi công công trình và tiến độ thực hiện. Bác căn dặn “Công việc nhiều như vậy, chống lụt đến nay gấp rút, thiên nhiên không chờ các chú làm xong mới lụt đâu”. Bác còn gia hạn thêm 1 ngày so với cam kết tiến độ của công trường.

Sau ngày Bác đến thăm, cán bộ, công nhân của công trường tu sửa Đập Đáy đã bừng lên một khí thế sôi nổi, khẩn trương thi đua “làm theo lời Bác, vượt trước thời gian”. Hàng nghìn người từ Sơn Tây, Hà Đông đã được huy động đến công trường để thực hiện nhiệm vụ; trong đó có 700 thợ xây, xếp đá làm việc suốt ngày đêm; 20 xe tải vận chuyển đá tập kết về khu vực công trình; huy động lực lượng dân công huyện Đan Phượng chuyển đá và vật liệu xây dựng tới vị trí xây dựng, đảm bảo nhanh chóng giải phóng đá kịp thời cho các xe tải chạy đều và thông suốt; các công việc khác đều được làm theo ca kíp nhịp nhàng liên tục suốt ngày đêm, ai cũng mong đóng góp một phần công sức của mình để công việc hoàn thành trước thời gian. Không ai thấy mệt mỏi, không ai quản khó khăn. Với sự quyết tâm của toàn công trường, công việc đã hoàn thành trước thời hạn Bác giao là 2 ngày.

Công trình phân lũ Đập Đáy - 60 năm sau ngày Bác Hồ về thăm (17/7/1962 - 17/7/2022)

Kể từ ngày Bác về thăm, công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên công trình Đập Đáy luôn được các cấp, các ngành quan tâm và đặc biệt là đội ngũ cán bộ công nhân viên luôn ý thức được vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ đảm bảo cho Đập Đáy luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ, đó cũng là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề mà Nhà nước, Bác Hồ đã giao cho.

Thực hiện Nghị quyết số 65 NQ/TW ngày 02/01/1963 của Trung ương Đảng, công tác trị thủy sông Hồng được xúc tiến triển khai thực hiện mạnh mẽ trên toàn hệ thống; trong đó, Bộ Thủy lợi đã khởi công xây dựng và hoàn thành 2 khu chậm lũ vào năm 1965, cụ thể:

- Khu Tam Nông, Thanh Thủy (Phú Thọ) dung tích chứa lũ là 200 triệu m3.

- Khu Vân Cốc (Sơn Tây, Hà Đông) gồm một tuyến đê chắn ngang cửa sông Đáy và một cống thoát lũ 26 cửa, mỗi cửa có kích thước 8x2,4m (cống Vân Cốc), các công trình đó phối hợp với việc tôn cao 2 đoạn đê Tả Đáy và Hữu Đáy cùng với Đập Đáy đóng kín tạo thành một hồ chứa có dung tích 700 triệu m3 (còn gọi là vùng bụng chứa Vân Cốc), hình thành cụm công trình đầu mối phân, chậm lũ Vân Cốc - Đập Đáy.

Từ năm 1966 đến năm 1971, nước lũ sông Hồng liên tiếp lên cao, vượt quá 12m tại Hà Nội. Đặc biệt, trận lũ năm 1969 và 1971 mặc dù thực hiện việc chậm lũ vào Tam Nông, Vân Cốc và phân lũ qua Đập Đáy nhưng nước lũ vẫn lên đến trên 13 m tại Hà Nội vượt quá mọi mức nước lũ đã đo được trong lịch sử. Tuy nhiên, nhờ hệ thống đê đã được tăng cường, công tác chỉ huy chống lụt các cấp được tổ chức chặt chẽ, chu đáo nên không xảy ra vỡ đê trên các triền sông lớn.

Giai đoạn này, Công trình phân lũ Đập Đáy không chỉ đương đầu với thiên tai, mà còn phải chống chọi với địch họa. Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thời kỳ đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom đánh phá Miền Bắc, Đập đáy là một trong những mục tiêu ném bom phá hoại công trình đê điều, thủy lợi của máy bay Mỹ. Để bảo vệ công trình, một Đập Đáy giả đã được dựng lên để bảo vệ Đập Đáy chính và nơi đây 9 chiến sĩ dân quân của Huyện Đan Phượng đã anh dũng hy sinh dưới bom đạn của giặc Mỹ.

Năm 1975, sau khi được cải tạo, nâng cấp để chủ động phân lũ sông Hồng vào sông Đáy ở mức lưu lượng cao hơn, Đập Đáy được nâng cấp đạt quy mô công trình như hiện nay, đó là thay hệ thống cửa đóng mở thủy lực (van mái nhà) bằng hệ thống van hình trụ viên phân, đóng mở bằng cơ điện một cách hoàn toàn chủ động.

- Nâng cao đáy dầm chính (kiêm tường ngực) từ cao trình +11,50 m lên cao trình +13,30 m để tăng thêm khẩu diện phân lũ trên toàn bộ bề rộng của 6 khoang đập, với lưu lượngkhoảng 5.000 m3/s.

- Nâng cao trụ pin từ cao trình 14,8m lên cao trình 16m và mở rộng mặt trụ từ 3m lên 8,2m để bố trí thiết bị nâng, hạ cửa.

Thực hiện Dự án “Làm sống lại dòng sông Đáy” năm 2008, cụm công trình đầu mối lấy nước sông Hồng vào sông Đáy bao gồm cống Cẩm Đình, kênh dẫn Cẩm Đình-Hiệp Thuận, cống Hiệp Thuận được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cụm công trình lấy nước này cùng với cụm công trình phân lũ Đập Đáy - Vân Cốc tạo nên Cụm công trình đầu mối phân lũ sông Đáy hiện nay với nhiệm vụ:

- Chủ động đưa nước sông Hồng vào sông Đáy trong mùa kiệt (từ tháng 11 đến tháng 5) với lưu lượng tối đa 100m3/s.

- Đưa nước thường xuyên trong mùa lũ (từ tháng 6 đến tháng 10)  với lưu lượng tối đa 450m3/s nhưng không làm ngập các bãi sông nơi có các hoạt động kinh tế cao, không làm ngập bãi Vân Cốc đồng thời không làm ảnh hưởng đến việc tiêu nước trong mùa mưa.

- Thoát được lưu lượng tối đa 2.500m3/s khi xuất hiện lũ có chu kỳ lặp lại lớn hơn 500 năm trên hệ thống sông Hồng hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều khu vực nội thành Hà Nội, sự cố trong quản lý điều hành hồ chứa.

Tháng 4/2008, sau 36 năm là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp Bộ quản lý, Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy (nay là Ban Quản lý và duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn) được bàn giao về cho tỉnh Hà Tây và đến cuối năm 2008 là Thành phố Hà Nội. Hàng năm, Ban Quản lý triển khai thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng cụm công trình được bắt đầu thực hiện từ 01/10 năm trước đến 30/5 năm sau hoàn thành, bao gồm các phần việc duy tu, bảo dưỡng, cạo gỉ, sơn, sửa chữa, thay thế các kết cấu thép và vệ sinh công trình; kiểm tra bảo dưỡng, thay thế, sửa chữa hệ thống điện, thiết bị điện, thiết bị điều khiển, thiết bị đo lường... và tu bổ công trình thủy công.

Nhiệm vụ quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng cụm công trình đầu mối phân lũ sông Đáy hàng năm được nghiệm thu đánh giá 2 lần: 1 lần vào đầu tháng 6 để khẳng định công trình đủ điều kiện đưa vào trực phân lũ; lần 2 vào dịp cuối năm để khẳng định phần công trình đập Đáy phần thường xuyên bị ngập nước vẫn ổn định, an toàn đủ điều kiện sử dụng tiếp theo và cũng trên cơ sở này để lập kế hoạch tu sửa, thay thế những chi tiết, những bộ phận hư hỏng của công trình và máy móc, thiết bị.

Công tác vận hành định kỳ hàng tháng cụm công trình được thực hiện nghiêm túc theo quy định, được quan trắc tỷ mỉ các thông số kỹ thuật và đều được ghi chép cẩn thận. Trong quá trình duy tu, bảo dưỡng và vận hành, Ban đã kịp thời căn chỉnh các sai lệch, khắc phục các khuyết tật phần cơ khí, nâng cao mức độ an toàn phần điện để đảm bảo công trình vận hành an toàn. Hàng năm, kết quả công tác Duy tu, bảo dưỡng và vận hành công trình đều được Đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp & PTNT (từ năm 2008 trở về trước) và đoàn kiểm tra do Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội chủ trì (từ năm 2009 đến nay) đánh giá tốt.

Cụm công trình phân lũ sông Đáy có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống lụt bão cho vùng Thủ đô, vì vậy công tác duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn vận hành cụm công trình này được Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội giao cho Ban quản lý và xem đây là nhiệm vụ cấp bách trước mỗi mùa mưa lũ hàng năm.

Phát huy truyền thống là đơn vị được Bác Hồ đến thăm và làm việc, các thế hệ lãnh đạo và Cán bộ viên chức lao động của Ban luôn đoàn kết thống nhất, nỗ lực không ngừng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để nhiều năm liền Ban quản lý đạt danh hiệu là tập thể lao động xuất sắc, được nhận cờ thi đua, nhận bằng khen của UBND Thành phố Hà Nội, bằng khen của Bộ Nông nghiệp & PTNT, bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Năm 2018, Ban Quản lý vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3.

 Nối tiếp truyền thống, phát huy nội lực cùng với sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT và UBND Thành phố Hà Nội; các cơ quan Trung ương và địa phương… đội ngũ cán bộ viên chức lao động của Ban Quản lý và duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đoàn kết nhất trí, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục đổi mới, chủ động tích cực tìm tòi, học hỏi, vượt qua khó khăn để quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng cụm công trình đầu mối phân lũ sông Đáy đúng quy trình, quy phạm, bảo đảm cho cụm công trình luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy nhằm đảm bảo an toàn đời sống và sản xuất của nhân dân; đồng thời, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội của thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận./.

                                        Lưu Phượng