Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo đảm an ATTP nông sản phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân năm 2020

Sở Nông nghiệp & Hà Nội ban hành Kế hoạch số 81/KH-SNN, triển khai bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nông sản phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân năm 2020.



Theo kế hoạch, từ ngày 20/12/2019 đến hết ngày 25/3/2020, Sở Nông nghiệp &PTNT tập trung triển khai bảo đảm ATTP nông sản phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân năm 2020. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo ATTP, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về ATTP. Các tác hại đối với sức khỏe, thiệt hại về kinh tế đối với người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh khi sử dụng chất cấm hoặc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh. Hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, chế biến áp dụng thực hành sản xuất tốt, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, GMP, HACCP). Cập nhật và công khai các cơ sở xếp loại A, B, C trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp &PTNT đổi mới công tác kiểm tra, đảm bảo thiết thực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư và ATTP trên địa bàn thành phố. Xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra, đảm bảo không chồng chéo trong quá trình kiểm tra. Chủ động trinh sát, nắm tình hình, tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, tập trung vào cơ sở sản xuất kinh doanh có các công đoạn, các sản phẩm có nguy cơ mất ATTP cao, tái kiểm tra các cơ sở vi phạm, không đạt yêu cầu theo quy định. Xử lý nghiêm các vi phạm nhằm tăng tính răn đe trong quá trình kiểm tra.

Tăng cường kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, rau, củ, trái cây, thủy sản lưu thông trên địa bàn thành phố. Duy trì và tăng cường kiểm tra tại các chốt kiểm dịch liên ngành đầu mối giao thông để kiểm tra, kiểm soát động vật và sản phẩm động vật vận chuyển vào thành phố. Tổ chức giám sát lấy mẫu ATTP, tập trung vào sản phẩm rủi ro cao, tiêu thụ nhiều (rau, củ, quả, thịt, thủy sản...) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và điều tra, thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với các trường hợp nông sản thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Sở Nông nghiệp &PTNT cũng phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo ATTP đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chất cấm sử dụng, chất ngoài danh mục được phép sử dụng. Phối hợp chính quyền các cấp trong việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Đáng chú ý, Sở Nông nghiệp &PTNT sẽ duy trì, phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm an toàn. Phối hợp với Sở Nông nghiệp &PTNT các tỉnh, thành phố phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn cho thành phố. Đảm bảo ATTP các thực phẩm tươi sống và thực phẩm tiêu dùng hằng ngày cho nhân dân.

Đồng thời, Sở tiếp tục phát triển ứng dụng hệ thống phần mềm thông tin điện tử sử dụng mã QRcode trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo ATTP đối với các sản phẩm nông sản, tiếp tục nâng cao tỷ lệ ứng dụng hệ thống phần mềm thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc đảm bảo ATTP theo chuỗi tập trung vào sản phẩm nguy cơ cao như: Rau, củ, trái cây, thịt, thủy sản. Phổ biến, vận động người dân, doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản bảo đảm ATTP. Hỗ trợ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGAHP, Global GAP...), thực hành sản xuất tốt (GMP), HACCP trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các hội chợ, Tuần lễ giới thiệu, xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm an toàn và quảng bá sản phẩm an toàn./.

TX (Theo Cổng GTĐT Hà Nội)