Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ba Vì: Phát triển mạnh từ chăn nuôi bò thịt

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò, những năm qua huyện Ba Vì đã phát triển mạnh chăn nuôi bò thịt trên địa bàn. Bên cạnh đó chăn nuôi bò sữa cũng trở thành một nghề cho thu nhập khá.



Ba Vì là huyện thuộc vùng bán sơn địa, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, là vành đai xanh cung cấp lương thực, thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp cho Thủ đô, trong đó chăn nuôi bò được xem là thế mạnh của vùng.

Là một trong những huyện có tổng đàn chăn nuôi lớn của thành phố, trong đó đàn bò 41,5 nghìn con, gồm 8,3 nghìn con bò sữa tập trung chủ yếu ở 3 xã Vân Hòa, Tản Lĩnh, Yên Bài. Chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện chủ yếu theo hình thức nông hộ. Tổng số hộ chăn nuôi bò sữa toàn huyện khoảng 1,6 nghìn hộ, bình quân nuôi từ 5-6 con/hộ. Một số hộ quy mô từ 20-30 con. Năng suất sữa bình quân đạt 14-15 kg/ngày. Chăn nuôi bò sữa trở thành một nghề cho thu nhập khá, nhiều hộ có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm từ nuôi bò sữa.

Đối với chăn nuôi bò thịt, huyện Ba Vì đã quy hoạch và hình thành được 10/31 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm với tổng đàn bò thịt đạt trên 20 nghìn con, quy mô bình quân 5 con/hộ. Toàn huyện có gần 150 trang trại bò với quy mô từ 20 con trở lên, có trang trại chăn nuôi, vỗ béo từ 80-100 con bò thịt.

Hiện huyện có khoảng 16,5 nghìn con bò cái nền, trước năm 2000, đàn bò cái nền Ba Vì chủ yếu là bò vàng (bò cóc) có thể trạng thấp, bé. Thực hiện chương trình Sind hóa đàn bò, hiện nay đàn bò cái nền cơ bản là bò lai Zebu  (lai Sind, Bratmam…)

Theo lãnh đạo huyện Ba Vì, điểm nổi bật trong phát triển chăn nuôi bò thịt tại huyện là công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò. Cơ bản đàn bò trên địa bàn huyện được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hàng năm có trên 15 nghìn bê lai các giống bò chuyên thịt năng suất, chất lượng cao như BBB, Agus, Zebu, Batmam, Wagyu… được sinh ra từ chương trình thụ tinh nhân tạo. Bê sinh trưởng nhanh, giá bán cao hơn so với bê thông thường cùng độ tuổi từ 5-7 triệu đồng/con.

Triển khai dự án lai tạo giống bò BBB trên nền bò thịt lai sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt ở toàn bộ các xã trên địa bàn huyện. Đến nay đã có gần 30 nghìn con bê lai F1 BBB được sinh ra. Bê sinh ra tăng trọng nhanh, gấp 1,2-1,3 lần so với các loại bê khác. Trung bình một con bê lai BBB 6 tháng tuổi cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3-5 triệu so với các giống bò khác.

Riêng với xã Minh Châu- xã phát triển mạnh về chăn nuôi bò, ông Nguyễn Danh Hưng, Phó Chủ tịch xã cho biết, do xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua xã Minh Châu đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã đã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt.

Trước đây người dân Minh Châu cũng chỉ chăn nuôi bò để lấy sức cày kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp là chính với giống bò chủ yếu là giống bò vàng, thể trọng nhỏ. Từ những năm 1990, khi nhà nước có chủ trương cải tạo giống bò từ bò vàng Việt Nam sang bò lai Sind để nâng cao thể trọng đàn bò và việc chăn nuôi bò bắt đầu được người dân quan tâm hơn. Ngoài việc chăn nuôi để lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, người dân bắt đầu chú ý đến việc chăn nuôi để phát triển kinh tế và đàn bò của xã tăng dần qua từng năm. Từ 1.850 con bò năm 2007 đến năm 2010 đàn bò tăng lên 2.466 con, đến năm 2019 tổng đàn bò là 3.986 con.

Đối với việc triển khai phát triển đàn bò thịt chất lượng cao Wagyu tại xã Minh Châu, đến nay toàn xã đã phối giống được khoảng 1000 con, có khoảng hơn 700 con bê lai F1 Wagyu sinh ra.

Từ việc hỗ trợ trên đã giúp đàn bò xã Minh Châu đã phát triển và tạo thành vùng sản xuất bò chất lượng cao, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, một con sau khi bán được từ khoảng 10 đến 12 triệu đồng.

Bên cạnh đó, hằng năm xã Minh Châu cung cấp cho các địa phương khoảng 1.000 con bò giống và bò thịt. Thu nhập từ chăn nuôi bò trong 6 tháng đầu năm doanh thu ước đạt 30 tỷ đồng từ bán bò, bê thịt các loại.

Phó Chủ tịch xã Nguyễn Danh Hưng cho biết, trong thời gian tới xã sẽ tổ chức liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi để tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi nhằm tạo đầu ra và giá cả ổn định. Đối với bò sữa giữ ổn định về tổng đàn, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sữa.

Mặc dù vậy, chăn nuôi còn mang tính nhỏ lẻ, thủ công theo quy mô hộ gia đình nên năng suất, chất lượng vật nuôi chưa cao. Các mô hình trang trại nuôi bò sữa, bò thịt tập trung đã từng bước được hình thành nhưng chưa nhiều. Đồng thời chưa hình thành được các khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi vào sản xuất còn hạn chế và chưa hình thành được nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo ổn định đầu ra cho nhân dân.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, lao động và để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng vệ sinh, an toàn sinh học, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh.

Định hướng, cơ cấu lại ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi lợn nhất là trong khu dân cư để chuyển sang chăn nuôi gia súc ăn cỏ, chăn nuôi gia cầm và các con đặc sản có giá trị cao như đà điểu, thỏ… để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Triển khai, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Quan tâm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có điều kiện đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện nói chung và chăn nuôi bò thịt, bò sữa nói riêng.

Nhờ chăn nuôi bò hiệu quả, trong những năm qua huyện Ba Vì đã trở thành điểm thăm quan trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi bò thịt của nhiều đoàn thành phố và từ các tỉnh, thành. Với lợi thế sẵn có, trong tương lai, huyện Ba Vì mong muốn sẽ xây dựng khu chăn nuôi tập trung (bò thịt tại xã Minh Châu, bò sữa tại xã Vân Hòa). Đồng thời xây dựng đề án phát triển xã Minh Châu thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bao gồm cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi./.

NT (Theo Chinhphu.vn)