Skip Ribbon Commands
Skip to main content

3 bài học kinh nghiệm trong tuyên truyền Chương trình OCOP

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa có Báo cáo về sơ kết công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2020.



Thủ đô Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước; trong đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận; nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường thế giới. Mặt khác, thành phố có 1.090 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động, 1.581 trang trại, 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 141 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp, trên 2.300 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đây chính là cơ sở tiềm năng lựa chọn sản phẩm để hoàn thiện, đánh giá phân hạng và dự thi sản phẩm OCOP đối với thành phố Hà Nội.

Triển khai công tác tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã triển khai nhiều hoạt động và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật, công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được triển khai kịp thời, thường xuyên đã giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến tận tay người tiêu dùng. Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đã và đang được người tiêu dùng tin dùng.

Trong năm 2021, Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP một cách đồng bộ từ thành phố đến cơ sở theo đúng chu trình OCOP; đẩy mạnh công tác truyền thông; quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ các tổ chức kinh tế và người dân tích cực tham gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác có hiệu quả các lợi thế của địa phương trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng sẽ chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là Chương trình OCOP. Tổ chức các đoàn báo chí đi thực tế tại 3 - 6 địa phương, đơn vị tiêu biểu trên địa bàn thành phố viết bài về kết quả phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; ghi nhận những địa phương đạt kết quả tốt trong xây dựng nông thôn mới.../.

NT (Theo Cổng GTĐT Hà Nội)