Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tạo ra “làn gió” mới trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Hiệu quả từ thực hiện chương trình OCOP thời gian qua được đánh giá tạo ra “làn gió” mới trong sản xuất và phát triển nông nghiệp Thủ đô. Trong đó, khâu mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, đặc biệt vào các kênh phân phối đang được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chú trọng.



Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), đến nay, có 29/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao.

Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương cho biết, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương là thành viên của Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, là đơn vị đầu tiên có được những công trình nghiên cứu khoa học được cấp bằng sáng chế cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cũng là hợp tác xã đầu tiên của Hà Nội đề xuất về giải pháp hữu cơ vi sinh.

Hợp tác xã Tiên Dương có 4 sản phẩm được công nhận OCOP, chủ yếu là sản phẩm rau má, cùng các sản phẩm dược liệu như trà hoa vàng và một số được liệu bảo hộ được bản quyền giống.

Là hợp tác xã nhỏ, sản phẩm của Hợp tác xã được chọn gắn với giá trị bản địa. Với Tiên Dương, Đông Anh là xã sản xuất rau an toàn của Thành phố trong nhiều năm qua, việc lựa chọn gắn với sự phát triển của địa phương chính là rau ăn lá. Tuy nhiên, Đông Anh đang trong quá trình lên quận, Hợp tác xã Tiên Dương phải đối mặt với toàn bộ vùng trồng rau đều trong quy hoạch.

"Sau thời gian chúng tôi cải tạo đất, các sản phẩm của chúng tôi đưa đến cho người tiêu dùng rất hài lòng. Hiện lượng sản phẩm của chúng tôi được sản xuất theo kế hoạch và đáp ứng đủ cho người tiêu dùng tại địa bàn, không còn đủ số lượng để đưa vào siêu thị. Đó chính là cái khó khăn trong phát triển mở rộng diện tích và vướng quy hoạch đô thị", bà Phạm Thị Lý cho biết thêm.

Tương tự, ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho biết, hiện Hợp tác xã dịch vụ Đông Cao (Mê Linh) có diên tích 200ha với sản lượng rau 60.000 tấn/năm. Mặc dù TP. Hà Nội đã có hệ thống siêu thị hiện đại nhưng hiện việc tiêu thụ rau của Hợp tác xã chủ yếu thông qua các thương lái của hệ thống chơ truyền thống Hà Nội và các tỉnh. Trung bình từ 40 tấn/ngày, riêng vào thời kỳ tiêu thụ cao điểm vào các kỳ nghỉ lễ, tết có thể lên đến 400 tấn/ngày.

Quá trình đưa sản phẩm rau xanh đạt tiêu chuẩn OCOP vào hệ thống siêu thị tiêu thụ gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo quản, vận chuyển. Để tiêu thụ sản phẩm, Hợp tác xã đang phối hợp với doanh nghiệp Hàn quốc chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, vì vậy rất mong cơ quan quản lý hỗ trợ Hợp tác xã trong việc tiếp cận đối tác chế biến quốc tế.

Đồng thời. đề nghị Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp dán tem nhãn sản phẩm OCOP khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ, qua đó Hợp tác xã có thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; mong muốn các cơ quan truyền thông hỗ trợ Hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP trong công tác quảng bá…

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP

Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội nhấn mạnh, xác định chương trình OCOP là một chính sách trọng tâm, giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP. Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Đây là yếu tố cần thiết để kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao thu nhập của người dân.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tăng cường chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương…

Ngoài ra, chính chủ thể sản phẩm OCOP cần đầu tư sản phẩm chất lượng đến dịch vụ tốt để tích lũy uy tín nhà bán hàng, xây dựng được lượng khách hàng trung thành. Cần đầu tư xây dựng các kênh bán hàng, thiết bị công nghệ, hệ thống quản trị phần mềm, đội ngũ bán hàng và xây dựng hình ảnh, video… một cách bài bản. Danh mục các sản phẩm cần đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc, thành thạo các kỹ năng thương mại điện tử để tăng cường tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và tiêu dùng, từng bước khẳng định giá trị và uy tín trên thị trường.

Đáng chú ý, về phía các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất. Điển hình như Central Group, MM Mega Market, BRG... đã tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP của Hà Nội và các địa phương vào hệ thống phân phối của đơn vị bằng nhiều hình thức như: chiết khấu 0% cho các hộ nông dân; tổ chức các tuần hàng OCOP, chợ phiên nông sản tại kênh phân phối.../.

TA (Theo www.chinhphu.vn)