Việc này không chỉ duy trì, bảo tồn những giống cây, con đặc sản của Hà Nội, mà còn phát triển thành vùng sản xuất tập trung, hàng hóa quy mô lớn.
Nhiều giống cây, con đặc sản cho giá trị cao
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất bưởi an toàn Quế Dương (huyện Hoài Đức) Nguyễn Như Hảo cho biết, giống bưởi Quế Dương xuất phát từ một cây bưởi hạt, được gia đình cụ Trần Thảo, ở xóm Tháp Thượng lưu giữ và nhân giống. Do mẫu mã đẹp, quả to, cùi mỏng, độ ngọt vừa phải, nên người dân ưa chuộng. Bưởi Quế Dương là giống bưởi quý, sau khi nghiên cứu nguồn gen, đặc tính sinh trưởng, phát triển của cây, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội) đã hỗ trợ người dân nhân rộng cây trồng này theo hướng hàng hóa. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội còn hỗ trợ người dân xây dựng nhãn hiệu tập thể bưởi Quế Dương, giúp việc tiêu thụ tương đối thuận lợi. Khi vào vụ thu hoạch, bưởi được thương lái vào tận vườn thu mua với giá ổn định, thu nhập khoảng 300 - 400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa.
Tương tự, để bảo tồn, phát huy hiệu quả giống vịt cỏ Vân Đình, huyện Ứng Hòa và Công ty cổ phần Giống vật nuôi Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố thực hiện Đề án “Phục tráng, khai thác và phát triển giống vật nuôi bản địa vịt cỏ Vân Đình theo hướng hữu cơ, quy mô lớn, ứng dụng nông nghiệp sinh thái tuần hoàn, du lịch trải nghiệm, xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm”.
Giám đốc Công ty cổ phần Giống vật nuôi Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hương thông tin, từ năm 2015, công ty đã chăn nuôi bảo tồn và phục tráng giống vịt này. Để đưa vào sản xuất, đơn vị có kế hoạch phát triển giống vịt cỏ bố mẹ quy mô 10.000 con vào năm 2025 và 20.000 con vào năm 2026. Dự kiến đến năm 2026, có khoảng 500.000 con giống vịt cỏ Vân Đình 1 ngày tuổi và năm 2027 có khoảng 1 triệu con vịt cỏ Vân Đình 1 ngày tuổi được đơn vị cung cấp cho các trang trại và các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có khoảng 30 giống cây trồng, vật nuôi đặc sản, trở thành thương hiệu nổi tiếng, như: Hồng xiêm Xuân Đỉnh, bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, bưởi đỏ Mê Linh, bưởi tháng Mười, nhãn chín muộn, mơ Hương Tích, rau sắng chùa Hương, vịt cỏ Vân Đình, gà Mía Sơn Tây… được đưa vào danh mục những nguồn gen cần bảo tồn, phát triển. Việc nhân rộng các mô hình cây, con quý hiếm đã giúp nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây, con quý hiếm…
Đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất
Việc bảo tồn và phát triển các giống cây, con bản địa thời gian qua đã mở ra hướng đi mới cho người dân trong việc đưa vào sản xuất quy mô hàng hóa đối với các giống cây, con giàu tiềm năng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để nhân rộng các loại cây, con đặc sản vẫn còn gặp không ít khó khăn do các giống cây, con đặc sản này có giá thành sản phẩm cao, thị trường tiêu thụ bấp bênh...
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho hay, huyện đang tập trung quy hoạch các điểm nông nghiệp du lịch trải nghiệm, phát triển giống mơ Hương Tích và đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất theo hướng an toàn và theo quy trình hữu cơ để nâng cao giá trị hàng nông sản. Cùng với đó, huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, đặc sản của địa phương đến tay người tiêu dùng.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao (huyện Mê Linh) Lương Văn Phương, để bảo tồn và nhân rộng giống bưởi đỏ quý tiến Vua, hợp tác xã sẽ phối hợp với ngành Nông nghiệp mở lớp tập huấn cho các thành viên về kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi, bảo quản sau thu hoạch, nhằm phát triển vùng sản xuất hàng hóa bưởi đỏ Đông Cao. Hợp tác xã đang xây dựng đề án chế biến bưởi đỏ thành nước ép bưởi, tinh dầu bưởi, mứt vỏ bưởi, bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, hướng đến xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương khẳng định, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng và các cục, vụ, viện thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen quý; từng bước xây dựng bộ kỹ thuật sản xuất cho từng loại cây trồng, vật nuôi, qua đó nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, phát triển các loại cây, con đặc sản gắn với chú trọng phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn; ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến... sẽ nâng tầm cho đặc sản của Thủ đô.
Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam Nguyễn Lân Hùng cho rằng, để làm tốt công tác bảo tồn, Hà Nội cần quy hoạch vùng sản xuất cho những giống cây trồng, vật nuôi đặc sản; đồng thời đẩy mạnh xây dựng sản phẩm chủ lực của địa phương. Các ngành chức năng cần có chính sách khuyến khích công tác bảo tồn, phát triển, chú trọng đầu tư nguồn kinh phí và đào tạo nguồn nhân lực cho chương trình này.
Cũng theo ông Nguyễn Lân Hùng, để phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa theo hướng bền vững, các sở, ngành của Hà Nội cần đánh giá, chọn lọc các mẫu gen quý hiếm lưu giữ phục vụ việc nghiên cứu, chọn tạo giống. Thông qua các dự án, đề án khôi phục và phát triển để hỗ trợ, khuyến khích người dân nhân rộng mô hình; chú trọng chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Từ đó, xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu các sản phẩm có nguồn gốc đặc thù địa phương, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân./.
NB (Theo Báo HNM)