Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Người đem giống sen mới về phục hồi cánh đồng hoang

Cánh đồng hoang ở thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội bị bỏ không từ năm 2009, cỏ mọc cao ngang đầu gối, dày như cỏ trên sân vận động.



Bỏ tiền túi ra để đối ứng làm mô hình

Chẳng ai nghĩ một ngày cánh đồng hoang ấy bỗng trở thành đầm sen với màu hồng của sen bách diệp Tây Hồ, sen mặt bằng, màu trắng của sen quan âm, lúc nào cũng ngan ngát hương đưa. Cái đầm sen trở thành một điểm du lịch thú vị, thu hút nhiều khách tham quan gần xa đến chơi, chụp ảnh check in.   

Anh Đặng Duy Hùng, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, chủ nhân khu đầm đó lội bì bõm trong bùn, mồ hôi đầm đẫm trên mặt hái cho chúng tôi một bó hoa, bảo: “Trồng sen vất vả nhất là khâu thu hoạch, không cẩn thận là gai cào xước hết chân tay, mặt mũi nên tôi đang phải thuê 500.000 đồng/công”.

Thị trấn có 166 ha đất nông nghiệp, khoảng 70 - 80% diện tích bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Xót của, đi họp nhiều lần anh phát biểu phải tìm ra giải pháp khắc phục nhưng ngặt nỗi Liên Quan lại nằm trong quy hoạch đô thị, cơ cấu kinh tế chủ yếu là công nghiệp, dịch vụ, còn nông nghiệp chỉ chiếm có 4%.

Phòng kinh tế huyện động viên HTX Nông nghiệp thị trấn Liên Quan  tận dụng những diện tích trũng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng mãi tới năm 2022 sau khi một chuyến đi tham quan sen ở tỉnh Ninh Bình về anh Hùng mới quyết tâm làm. Anh đăng ký với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội rồi được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thạch Thất giúp đỡ để thực hiện mô hình khuyến nông trồng sen giống mới năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhận phần hỗ trợ 50% giống, vật tư.  

Nói về sen, mà đúng hơn là quỳ vì chúng chỉ có cánh đơn, chứ không có cánh kép như sen, chuyên để lấy hạt thì thị trấn Liên Quan có khoảng 25ha nhưng không ai trồng cả mà tự mọc lan. Thế là thành ra tranh nhau thu hoạch, thậm chí cãi nhau, xô xát nhau.

Để thực hiện mô hình trồng sen giống mới, chất lượng cao anh Hùng quyết định thuê 5ha đất của dân theo dạng hợp đồng ký 5 năm 1 lần với giá 100.000 đồng/sào. Diện tích đó vốn là cánh đồng hoang từ năm 2009, cỏ ngập ngang đầu gối và dày như cỏ trên sân vận động, hoàn toàn không có nước. Ban đầu nhìn thấy cảnh ấy mấy cán bộ ở Phòng kinh tế cũng nản nhưng cứ phải khích lệ anh cố gắng mà theo đuổi đến cùng.

Phải qua 2 lần làm máy thì đất mới tạm thuần. Kỹ thuật trồng sen thì ngoài được cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ, anh Hùng còn tìm hiểu qua HTX sen Vân Đài (xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) nơi cung ứng giống. Sau khi tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng anh quyết định trồng 4 loại sen gồm quan âm, super, bách diệp Tây Hồ chuyên lấy hoa và sen mặt bằng chuyên để lấy hạt. Mỗi sào sen được cấy 70 gốc và bón 25kg phân lân.

Đầu tư ban đầu của sen khá nhiều, thực tế như ở Liên Quan phải lên tới hàng trăm triệu đồng/ha. Ngoài phần 50% hỗ trợ về giống, vật tư của khuyến nông, số còn lại anh Hùng phải bỏ tiền túi ra mà đối ứng. Phía thị trấn rất ủng hộ về văn bản pháp lý để mong sao có được 1 mô hình nông nghiệp là bộ mặt của địa phương nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó.

Cuống giống ngày 12/4 thì sang tháng 6 sen đã cho thu hoạch bói, anh Hùng mừng quá chụp ảnh báo cáo ngay cho cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội. Hàng tuần đều phải báo cáo những diễn biến của đầm sen trong mô hình bằng hình ảnh như vậy. Ưu điểm của sen là cấy 1 lần thu tới 5 năm, nếu chăm sóc tốt có thể thu được 6 - 7 năm.

“Đầu tư cho nông nghiệp lắm rủi ro, ít người dám nhưng tôi vẫn mạnh dạn làm. Trung bình mỗi bông sen tôi bán tại chỗ được 2.500 - 3.000 đồng, còn thuê xe ô tô đem xuống nội thành bán thì giá cao hơn. Vừa rồi đi dự hội nghị sen ở Tây Hồ tôi gặp anh Nguyễn Văn Hà - Trưởng phòng Trồng trọt Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, anh ấy hỏi: “Hoàn được tiền đối ứng chưa em?”. Tôi trả lời: “Em phải hết tháng bảy”. Anh ấy nghe thế liền động viên: “Cố gắng em nhé”.

“Đúng là hết tháng bảy tôi đã hoàn thành được tiền đối ứng thực hiện mô hình. Riêng rằm tháng bảy vừa rồi tôi bán buôn được 1.000 bông quan âm, mỗi bông được 4.000 đồng, cộng bán lẻ được mấy trăm bông nữa, thu hơn 5 triệu đồng”, anh Hùng kể.

Trăn trở về nông nghiệp đa giá trị

Dù sen giống mới thích ứng khá tốt với biến đổi khí hậu nhưng trận mưa ngày 22 tháng 7 vẫn gây thiệt hại nặng từ loài sen chuyên lấy hoa đến loài sen chuyên lấy hạt, đều bị thối nhũn thân, phải một thời gian sau chúng mới hồi phục được. Với giống sen cũ thì mùa thu là tàn nhưng sen giống mới thì có thể cho bông tới tháng mười.

Cũng theo anh Hùng nếu chăm sóc tốt sen có thể đạt 15 bông/m2, nhân với giá bán tại chỗ trung bình 2.500 đồng/bông cũng cho khoản thu nhập khá. Tuy nhiên hiện tại sen chỉ bán chạy mỗi vào ngày rằm với ngày mồng một, còn ngày thường tiêu thụ rất chậm.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Liên Quan trông thấy cảnh đó mới bảo anh Hùng rằng trồng sen để làm cảnh hay thế nào mà cứ để tiền rơi xuống nước như vậy. Anh cũng xót ruột lắm chứ khi trung bình mỗi ngày đầm có thể thu 300 bông sen nhưng lại không có khách đến mua, phần bởi dân chưa có thói quen chơi hoa sen, phần bởi điều kiện kinh tế còn hạn hẹp. Đã thế khi anh Hùng dựng cái ô ra bán sen ở ven đường liền bị công an đuổi, chẳng biết đi đâu.

“Người dân muốn đầu tư không chỉ là trồng sen mà còn trồng các loại như lúa đen, đậu tương đen, dược liệu hay chăn nuôi trâu, bò nhưng chưa tiếp cận được với chính sách vay vốn ưu đãi để mua sắm máy móc, vật tư. Với HTX tôi cũng rất mong chính quyền cho phép làm nhà tạm ở đầm sen để tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp như chụp ảnh, bán đồ giải khát nhưng cũng chưa được phép”, anh Hùng bày tỏ.

NB (Theo nongnghiep.vn)