Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giải pháp đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị

Để tiếp tục phát huy kết quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp, trong đó có giải pháp đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, đặc biệt là qua hệ thống siêu thị.



Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), qua đó, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đây là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực địa phương và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt

Chia sẻ tại tọa đàm "Thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị" diễn ra hôm nay 26/8, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá "đầu tàu" trong triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Các ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, tổ chức các hoạt động về liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố; giới thiệu, kết nối nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm mùa vụ, có khó khăn trong việc tiêu thụ… của các tỉnh, thành phố vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm…;

Đồng thời, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố đến các quận, huyện, thị xã..; góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp hàng Việt, góp phần thúc đẩy Thủ đô phát triển.

Từ đó, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm, doanh nghiệp được tạo điều kiện qua các cơ chế, chính sách của Thành phố cũng như được đông đảo người tiêu dùng biết và tin dùng thông qua các hoạt động của Ban chỉ đạo cuộc vận động Thành phố.

Về khía cạnh hệ thống bán lẻ, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông cho biết, trong những năm qua, chương trình OCOP đã trở thành một điểm sáng trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của nước ta. Qua nhiều năm thực hiện, chương trình đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được nâng tầm, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Chương trình OCOP không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế, mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân nông thôn thông qua các sản phẩm truyền thống vùng miền.

OCOP là sản phẩm mang tính đặc trưng của Việt Nam, được sản xuất và phân phối bởi các doanh nghiệp Việt. Vì thế, OCOP không chỉ là sản phẩm, mà còn là câu chuyện về sự đoàn kết và sáng tạo của người Việt…

Dù "dấu ấn" OCOP đã tương đối rõ, tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm này cũng còn những khó khăn nhất định. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là bởi sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế, đặc biệt việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Bên cạnh đó, khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn. Không ít doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất - kinh doanh chia sẻ rằng, việc tiếp cận và đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, dẫn tới sức cạnh tranh giảm sút…

Dưới góc độ doanh nghiệp bán lẻ, chủ thể sản xuất - kinh doanh, bà Phan Uyên, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Sữa Con Bò Vàng cho hay, hiện chúng tôi có hơn 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao trong đó tiêu biểu là bánh sữa và sữa chua. Tuy nhiên, khó khăn của chúng tôi là chưa được truyền thông nhiều dù chất lượng và giá thành đều rất cạnh tranh. Việc truyền thông vẫn chủ yếu qua kênh truyền thống nên sức lan toả của thương hiệu còn nhiều hạn chế.

Về kênh phân phối, hiện nay, Con bò Vàng mới chỉ tiêu thụ qua các kênh cửa hàng nhỏ lẻ, chưa tiếp cận được các hệ thống siêu thị. Nguyên nhân là muốn vào hệ thống siêu thị phải mất phí mở mã vạch và phải ký gửi hàng hoá thanh toán theo từng đợt và đó là khó khăn đối với doanh nghiệp như chúng tôi. Nếu được vào kênh siêu thị thì thương hiệu của chúng tôi sẽ được nhiều người biết đến, tin dùng và chắc chắn sẽ bán được nhiều hàng hơn.

"Vì vậy, chúng tôi đề xuất siêu thị có chính sách hỗ trợ phí mở mã vào hệ thống siêu thị, hỗ trợ về thanh toán tiền hàng luôn cho doanh nghiệp khi đưa hàng vào", bà Uyên nói.

Tiếp tục tổ chức hội chợ kết nối các sản phẩm OCOP vào siêu thị

Để tiếp tục phát huy kết quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hỗ trợ doanh nghiệp hàng Việt quảng bá sâu rộng đến người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp; một trong những giải pháp đó là đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, đặc biệt là qua hệ thống siêu thị.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho hay, thời gian qua, Sở đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tôn vinh sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, tổ chức hội chợ "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích", chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích".

Đồng thời, tổ chức hoạt động bán hàng lưu động, các phiên chợ Việt, hội chợ hàng Việt, tuần hàng Việt, tuần sản phẩm OCOP, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm Việt; các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trên địa bàn Thành phố. Tổ chức hội nghị liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Bám sát tình hình thực tế, đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương đã và đang thực hiện nhóm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị. Đó là tuyên truyền quảng bá sâu rộng các vùng sản xuất, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên tiến hành rà soát danh mục sản phẩm OCOP cần kết nối vào các kênh phân phối (siêu thị, chuỗi thực phẩm, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của Hà Nội) gửi Sở NN&PTNT; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để tổ chức kết nối, tiêu thụ theo nhu cầu.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... cho các sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, Sở Công thương Hà Nội cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm cần ký kết hợp đồng lâu dài về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP cho các đơn vị sản xuất để yên tâm sản xuất bảo đảm số lượng, chất lượng…

Về lâu dài, ngành Công Thương tiếp tục tổ chức có hiệu các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương, hội chợ, triển lãm, tuần hàng... để đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP giới thiệu đến người tiêu dùng, kết nối vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm;

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại (siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn...), tạo địa điểm bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm OCOP cố định giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có nơi trao đổi, mua bán hàng hóa thường xuyên; phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP rộng khắp trên địa bàn thành phố để người tiêu dùng nhận diện, ưu tiên trong quá trình mua sắm…/.

TA (Theo www.chinhphu.vn)