Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Phúc Thọ: Ưu tiên đầu tư phát triển làng nghề thân thiện với môi trường

Trong giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo, huyện Phúc Thọ sẽ ưu tiên phát triển các làng nghề thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chí và định hướng gắn kết hợp với hoạt động thương mại, du lịch.



Duy trì ổn định hoạt động 9 làng nghề

Làng Táo (xã Tam Thuấn) có gần 630 hộ dân với khoảng 2.500 nhân khẩu. Trong đó, có khoảng 24,4% tổng số hộ làm nghề cắt may với hơn 800 lao động. Nghề cắt may được người dân trong thôn phát triển từ những năm 2000, với các sản phẩm chính là áo polo, áo chống nắng, quần áo gió, nỉ, thể thao, đồng phục học sinh...

Theo Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn Nguyễn Văn Đính, từ khi có nghề may, đời sống vật chất, tinh thần của người dân làng Táo ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân của người làm nghề đạt 120 triệu đồng/năm.

“Tháng 4/2024, làng Táo vinh dự được UBND TP trao bằng công nhận Làng nghề Hà Nội. Đây là vinh dự nhưng cũng là cơ hội để làng Táo tiếp tục duy trì và phát triển nghề cắt may truyền thống…” - ông Nguyễn Văn Đính nói thêm.

Với việc làng Táo được công nhận là Làng nghề Hà Nội, đến nay toàn huyện Phúc Thọ có 9 làng nghề được UBND TP Hà Nội công nhận. Các làng nghề hoạt động ổn định, hiện thu hút 1.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh và con số này đang ngày một tăng thêm.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, sự phát triển của các làng nghề trong những năm qua đã góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách cho huyện; đặc biệt là tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương cũng như các xã, huyện lân cận.

Ngoài các làng nghề đã được công nhận, trong những năm gần đây, huyện Phúc Thọ cũng đẩy mạnh phát triển nghề tại một số làng mới. Có thể kể tới làng nghề sản xuất con giống bằng thạch cao ở xã Thanh Đa; làng nghề sản xuất tương tại xã Thượng Cốc…

Phát triển thêm từ 3 - 5 làng nghề mới

Mặc dù vậy, trải qua nhiều thăng trầm, đến nay có 3 làng nghề của huyện Phúc Thọ đang bị mai một. Đó là hai làng nghề chế biến nông sản Hiếu Hiệp và Hạ Hiệp (xã Liên Hiệp), làng nghề dệt thảm thôn Đông (xã Phụng Thượng). Hoạt động của một số làng nghề cũng đứng trước nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường mới.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Cấn Văn Hồng cho biết, để thúc đẩy phát triển làng nghề, huyện Phúc Thọ đã xây dựng Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và làng nghề trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể hoá đề án trên, từ năm 2023 đến nay, huyện Phúc Thọ tập trung hoàn thiện các tiêu chí của các làng nghề hiện có; quy hoạch và quản lý, đầu tư xây dựng các làng nghề theo đúng quy hoạch; đảm bảo hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phù hợp kiến trúc cảnh quan nông thôn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu, địa phương luôn xác định làng nghề là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân. Chính vì vậy, luôn cố gắng tạo điều kiện hoạt động tốt nhất để các cơ sở tại làng nghề.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển làng nghề may thôn Thượng Hiệp (xã Tam Hiệp) kết hợp du lịch theo Nghị quyết số 12-NQ/HU của Huyện uỷ Phúc Thọ. Phát triển một số làng nghề mới như: cơ khí tại xã Liên Hiệp; sản xuất bún, bánh, đậu phụ tại xã Sen Chiểu; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại các xã: Hát Môn, Thanh Đa…

Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung các giải pháp để nhân cấy nghề tiểu thủ công nghiệp cho các làng thuần nông. Triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư, thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển làng nghề. Trong đó, ưu tiên phát triển sản xuất các làng nghề ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường.

Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề, trong giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Phúc Thọ phấn đấu có từ 3 - 5 làng nghề được đầu tư Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm làng nghề. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề./.

NB (Theo Báo KT & ĐT)