Skip Ribbon Commands
Skip to main content

QUY TRÌNH KỸ THUẬT SẢN XUẤT CẢI XANH HỮU CƠ (Ban hành kèm theo Quyết định số 2660/QĐ-SNN ngày 29/12/2017 của Giám đốc Sở NN & PTNT Hà Nội) (trích)



  1. Thời vụ

Cải xanh có thể gieo trồng quanh năm. Nên áp dụng biện pháp che vòm nilon khi gieo trồng vào mùa mưa.

  1. Giống

Sử dụng các giống chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng, được cung ứng từ các cơ sở có uy tín.

Giống cải xanh địa phương như cải mơ (Hoàng Mai), cải xanh Thanh Mai, cải xanh Vĩnh Tuy hoặc các giống cải bẹ xanh cao cây; cải xanh mỡ cao sản; cải xanh tàu lá chuối, cải xanh số 4, cải xanh số 6, VA22, hai mũi tên đỏ, PT1.1, PT1.2,...

Lượng hạt giống: 150 - 200 gram/sào (khoảng 4 - 5 kg/ha).

  1. Làm đất

Đất trồng phải đảm bảo đủ điều kiện cho sản xuất rau theo quy định. Lên luống cao trên 30 cm, khoảng cách luống rộng 1,5 m (rãnh đến rãnh), mặt luống rộng tối thiểu 80 cm, dễ thoát nước. Sau 2 - 3 lứa cho nước ngập luống khoảng 10 ngày và có thể sử dụng máy xới mini làm đất trên mặt luống. Sử dụng vòm che nilon theo luống để tránh điều kiện bất lợi và tạo môi trường không thuận lợi cho sinh vật gây hại.

  1. Gieo trồng

Gieo hạt nhiều lượt để hạt phân bố đều trên mặt luống (khi gieo nên trộn hạt với đất bột), không để hạt giống tiếp xúc với phân bón. Nên sử dụng máy gieo hạt và công cụ gieo hạt thủ công giúp đảm bảo mật độ, giảm chi phí.

Gieo hạt xong cào nhẹ hoặc dùng tay xoa nhẹ, đều trên mặt luống và phủ một lớp rơm rạ, trấu mỏng trên mặt luống, sau đó dùng ô doa tưới nước đủ ẩm. Sau khi trồng mỗi ngày tưới đẫm một lần, sau đó 2 - 3 ngày tưới một lần.

  1. Bón phân

- Liều lượng bón: có thể lựa chọn các loại phân hữu cơ và liều lượng bón

Bột đậu tương (hoặc khô dầu đậu tương) 30 - 40 kg/sào/2 lứa (800-1.100 kg/ha/2 lứa và ngô bột 10 - 15 kg/sào (300 - 450 kg/ha).

Hoặc phân hữu cơ nguồn gốc động vật xử lý nhiệt (như Fertiplus, Melgert, Nature,...): 20 - 40 kg/sào/2 lứa (550 - 800kg/ha/2 lứa) và ngô bột 10 - 15 kg/sào (300 - 450 kg/ha).

 Hoặc phân chuồng ủ hoai mục 300 - 500 kg/sào/2 lứa (8.000 – 12.000 kg/ha/2 lứa) và ngô bột 10 - 15 kg/sào (300 - 450 kg/ha).

Tùy theo cây trồng và lượng bón vụ trước để tăng hoặc giảm lượng đậu tương.

 - Phương pháp bón: bón lót 100% khi làm đất (lưu ý không bón trực tiếp vào cây).

 Luân canh với cây đậu tương để cải tạo đất. Khi thu hoạch đậu tương tiến hành cày vùi toàn bộ với nơi thuận lợi nguồn nước hoặc ủ với nơi không thuận lợi nguồn nước.

  1. Tưới nước và chăm sóc

Sử dụng nguồn nước đảm bảo tiêu chuẩn theo đúng quy định. Tưới nước đủ ẩm từ sau khi trồng đến khi thu hoạch. Tiêu nước kịp thời khi ngập úng. Áp dụng biện pháp tưới rãnh hoặc tưới phun.

Tỉa cây làm 02 đợt (khi cây được 2 - 3 lá thật và 4 - 5 lá thật), để cây cách cây với khoảng cách 10 - 12cm. Làm cỏ kết hợp loại bỏ cây bị bệnh để hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại.

  1. Phòng trừ sâu bệnh

Các đối tượng sâu, bệnh hại chính gồm: bọ nhảy sọc cong, sâu khoang, sâu xanh bướm trắng, bệnh thối nhũn.

  1. a) Biện pháp canh tác, thủ công:

Ngâm nước ngập luống khoảng 10 ngày để hạn chế bọ nhảy và sâu bệnh trong đất.

Sử dụng phân chuồng hoai mục ủ phối trộn cùng chế phẩm nấm Trichoderma để bón nhằm hạn chế nấm bệnh gây hại.

Trồng xen hai đến nhiều loại rau, luân canh với các loại rau khác họ trên cùng diện tích đất trồng. Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng, ngắt bỏ lá bị bệnh hại, ngắt ổ trứng, bắt giết sâu non; sử dụng các chế phẩm sinh học EMINA, BIOEM, EM,... để ủ hoặc nuôi giun để xử lý.

Tạo môi trường thuận lợi cho thiên địch phát triển, dẫn dụ hoặc xua đuổi côn trùng gây hại như: trồng các loài hoa cúc, hướng dương, soi nhái, sen cạn, ba lá, linh lăng, húng, bạc hà, hành, tỏi, xả, gừng,...trồng xen vào các luống rau hoặc đầu luống rau.

Bẫy chua ngọt trừ trưởng thành sâu khoang:

Cách làm bẫy: 4 phần mật (đường), 4 phần dấm, 1 phần rượu, 1 phần nước, 1 gói Regent 800WG (1gr) khuấy kỹ. Chứa vào xô nhựa, can nhựa đậy kín, sau 3-4 ngày bốc mùi chua ngọt thì đem ra sử dụng. Vật liệu đựng bẫy: làm bằng hộp nhựa, chai nhựa (đường kính, chiều cao, thể tích phù hợp thực tế) trên thành hộp đục các lỗ tròn có đường kính 2-3cm.

Sử dụng: 0,1-0,15 lít/hộp, 3-5 bẫy/sào hoặc có thể sử dụng bùi nhùi bằng rơm nhúng bả sau đó cắm trên ruộng.

Sử dụng bẫy dính màu vàng để thu hút trưởng thành bọ nhảy.

Cách làm và sử dụng bẫy: dùng một mặt phẳng màu vàng có kích thước 50x30cm, quét chất bám dính (dầu dính côn trùng hoặc nhựa thông,…) lên hai mặt. Treo bẫy vào cọc sau đó cắm trên ruộng rau với khoảng cách 10 mét 1 bẫy và cách mặt luống từ 15 - 20cm. Thời gian thay bẫy hoặc quét thêm chất bám dính tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết, mật độ sâu đã dính vào bẫy, trung bình 3 - 5 ngày quét thêm chất bám dính, 20 ngày thay bẫy mới.

Khuyến khích sử dụng các chế phẩm tự nhiên từ gừng, tỏi, giềng (Vật liệu gồm: gừng, tỏi, giềng, đường đỏ; cách làm: thái mỏng gừng, tỏi và để riêng từng lọ, cho rượu trắng vào từng lọ theo tỷ lệ 1 kg vật liệu/1 lít rượu; sau 12 giờ thêm vào một lượng đường đỏ theo tỷ lệ (1:0,3) 1 kg vật liệu ban đầu /0,3 kg đường, trộn đều, đậy kín bằng giấy bản để 5 ngày. Sau 5 ngày, tiếp tục thêm một lượng rượu trắng theo tỷ lệ 1 kg vật liệu ban đầu/5 lít rượu (1:5) để 15 ngày, tách riêng phần chất lỏng và bã; giữ phần chất lỏng trong lọ kín để ở nơi bóng mát, làm vật liệu nguyên chất pha loãng dùng dần: 1 chén rượu gừng + 1 chén rượu tỏi + 8 lít nước).

  1. b) Biện pháp sử dụng thuốc BVTV:

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm bệnh, điều tra phát dục sâu hại, dự tính thời gian trưởng thành, sâu non rộ; dự báo mức độ bệnh hại để hướng dẫn phòng trừ đúng thời điểm, sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo mộc có thời gian cách ly ngắn khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao, không thể khống chế bằng biện pháp thủ công. Cụ thể như sau:

Xử lý các loại thuốc khi mật độ: sâu khoang: > 5 con/m2; sâu xanh bướm trắng: > 6 con/m2; bọ nhảy: >20 con/m2; khi tỷ lệ bệnh thối nhũn: > 10% số cây.

Bọ nhảy: xử lý bằng các hoạt chất như Matrine (Sokupi 0.36AS, Sakumec 0.36EC, 0.5EC,.....).

Sâu xanh bướm trắng, sâu khoang: xử lý bằng các hoạt chất Bacillus thuringiensis (Delfin WG, An huy WP, Biocin 16 WP, 8000 SC, Comazol WP), Matrine (Sokupi 0.36AS, Agri-one 1SL, Aphophis 5EC, 10EC), Rotenone (Newfatoc 50WP, 50SL, 75WP, 75SL,…), Polyphenol chiết xuất từ Bồ kết, Hy thiêm, Đơn buốt, Cúc liên chi dại (Anisaf SH-01 2SL),…                 

 Bệnh thối nhũn: xử lý bằng các loại thuốc có hoạt chất tổ hợp dầu thực vật (TP – ZEP, …), Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP).

Chú ý:  Đảm bảo đủ thời gian cách ly đối với từng loại thuốc theo hướng dẫn trên nhãn thuốc.

Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”. Vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng phải được thu gom vào đúng nơi quy định.

  1. Thu hoạch

Khi thu hoạch cần loại bỏ các lá gốc, lá bị sâu bệnh, chú ý không để dập nát, bảo quản nơi khô mát, đóng vào bao bì sạch để vận chuyển đến nơi tiêu thụ./.

Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội