Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, hiện tình hình chăn nuôi trên địa bàn Thành phố cơ bản thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm. Tổng đàn vật nuôi tăng khá, các cơ sở chăn nuôi bám sát diễn biến thị trường, có kế hoạch tái đàn phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân Thủ đô.
Trên địa bàn Thành phố có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở bán công nghiệp, ngoài ra còn có các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, riêng cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc, huyện Thanh Trì hàng ngày giết mổ từ 1.700 - 2.000 con lợn. Đồng thời, đã thực hiện kiểm soát giết mổ tại 108 cơ sở giết mổ được cấp phép, lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn Thành phố được kiểm soát khoảng 650 tấn/ngày. Nhằm phát triển các hệ thống cơ sở giết mổ, căn cứ vào các Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, UBND Thành phố tiếp tục thí điểm một số chính sách hỗ trợ giết mổ, theo đó, Thành phố hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ hai và 30% ở năm thứ ba.
Đặc biệt, Hà Nội đã thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi như sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo đối với đàn bò (đạt 100% với đàn bò sữa và 80% đối với đàn bò thịt). Đối với bò thịt đã đưa các giống mới chất lượng cao vào sản xuất như bò BBB (của Bỉ), giống Wagyu (của Nhật) vào sản xuất.
Bên cạnh đó, hệ thống chuồng nuôi sử dụng hệ thống chuồng kín đạt 30% số trại, cơ sở chăn nuôi lợn và gà quy mô lớn; chăn nuôi bò sữa sử dụng hệ thống làm mát đạt 87%; bò thịt đạt trên 50%.
Đối với các trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm 100% chăn nuôi bằng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, có trang trại bổ sung thêm men vi sinh vào thức ăn, có trang trại sử dụng dây truyền cho ăn tự động, uống nước tự động.
Trong xử lý môi trường chăn nuôi đã sử dụng công nghệ xây hầm Biogas bằng nhựa Composite, nhựa HDPE và máy ép phân vừa xử lý chất thải, vừa tạo ra khí đốt phục vụ sinh hoạt, đồng thời sử dụng chất thải chăn nuôi là nguồn nguyên liệu để nuôi giun quế. Đưa chế phẩm vi sinh EM vào lĩnh vực xử lý môi trường và đệm lót sinh học trong chăn nuôi góp phần giảm 80 - 90% mùi hôi thối của chuồng nuôi, tăng khả năng kháng bệnh cho vật nuôi.
Đối với lĩnh vực thủy sản, thời gian qua một số hộ dân tại Hà Nội đã tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng cây hằng năm kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Các vùng nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, an toàn và ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất, đưa giống cá (trắm, chép lai, rô phi đơn tính, …) có năng suất, chất lượng vào nuôi trồng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Đến nay, trên địa bàn Thành phố có khoảng 9.700 ha sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước vào nuôi trồng thủy sản và các mô hình ứng dụng công nghệ biofloc tại huyện Ba Vì, Ứng Hòa… Với xu hướng ngày càng nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ sinh học để hạn chế thay nước, giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường và một số mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao, mô hình sông trong ao với hệ thống tạo dòng chảy và sục khí, nuôi cá với mật độ cao như: Xã Đại Áng, huyện Thanh Trì; xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa; xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ,... năng suất tăng 6 - 8 lần so với nuôi thông thường, chất lượng cá thịt ngon hơn, giá thành cao hơn. Năng suất đạt 80 tấn/ha, giá trị 3,5 tỷ đồng/ha.
Một số huyện đã xây dựng dự án phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như tại huyện Phú Xuyên (xã Tri Trung, diện tích quy hoạch 122,7 ha, giai đoạn 2021 - 2030), huyện Ứng Hòa xây dựng đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Ứng Hòa theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030". Theo đó ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nuôi tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu thị trường và đạt chuẩn VietGAP.
Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi hợp lý. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vật nuôi bản địa, đặc sản có giá trị cao theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học, dịch bệnh và thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị....
Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển đàn lợn, đàn trâu, đàn bò; phát triển chăn nuôi theo vùng, ứng dụng công nghệ cao, phát triển chăn nuôi theo thị trường, chăn nuôi theo chuỗi giá trị… để giảm mức thấp nhất việc được mùa mất giá trong chăn nuôi.
Đồng thời phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn. Tăng cường phối hợp, hợp tác, liên kết với các tỉnh trong cung cấp con giống, đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phát triển chăn nuôi và cung ứng các sản phẩm vật nuôi theo chuỗi để đáp ứng nhu cầu cho người dân Thủ đô.
Phát triển thủy sản theo hướng bền vững, có năng suất, chất lượng cao, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh thủy sản, giám sát môi trường, giám sát an toàn thực phẩm ngay trong quá trình nuôi. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, nâng cao thu nhập, đảm bảo phát triển hài hòa giữa các vùng. Rà soát cơ cấu nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh. Khuyến khích nuôi công nghiệp trên diện rộng và quy mô nhỏ, áp dụng nuôi thâm canh, công nghệ cao, thực hành nuôi tốt (GAP) theo quy chuẩn, phát triển các sản phẩm thủy sản chủ lực.
Tập trung duy trì và phát triển thủy sản tại những vùng có diện tích mặt nước lớn, vùng trũng, khu vực được tiếp cận từ nguồn nước sông Đà (định hướng phát triển sản xuất thủy sản tập trung chủ yếu tại các vùng trũng, thấp thuộc các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn, Quốc Oai, thị xã Sơn Tây); phát triển thủy sản gắn với du lịch, dịch vụ.
Phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội. Tập trung đầu tư cho các vùng sản xuất công nghệ cao, hữu cơ, sản xuất giống chất lượng cao; mở rộng và đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi và cơ sở nuôi trồng thủy sản để tăng năng suất chất lượng sản phẩm thủy sản. Tạo môi trường cảnh quan sinh thái tại các hồ nội thành, hồ điều hòa tại các khu đô thị trên địa bàn Thành phố.
Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi và xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản theo vùng, theo đối tượng nuôi. Nghiên cứu quy hoạch bổ sung một số hồ chứa lớn để vừa điều hòa lũ lụt, điều hòa sinh thái và chăn nuôi thủy sản kết hợp du lịch sinh thái./.
TA (Theo www.chinhphu.vn)