Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển Chương trình OCOP tại Hà Nội: Nâng cao chất lượng để tăng sức cạnh tranh

Từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.263 sản phẩm OCOP, hoàn thành sớm trước 1 năm mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ giai đoạn 2021 - 2025. Dù vậy, việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP để tăng sức cạnh tranh đang là bài toán đặt ra.



Khách quan, minh bạch trong thẩm định

Cơ sở kinh doanh Phương Soát (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) là một trong những đơn vị đã được UBND thành phố Hà Nội cấp chứng nhận OCOP cho 3 sản phẩm gồm: bánh quy vừng vòng, bánh quy trứng nhện và bánh Sampa.

Chị Đinh Thị Tú Anh - Chủ cơ sở kinh doanh Phương Soát cho biết, đây là lần đầu tiên tham gia Chương trình OCOP. “Hội đồng OCOP Thành phố tiến hành đánh giá rất chặt chẽ đối với 3 sản phẩm của chúng tôi. Điểm số đánh giá của Thành phố thấp hơn so với của Hội đồng OCOP quận…”, chị Tú Anh chia sẻ thêm.

Thực tế cho thấy, từ năm 2021 đến nay, thông qua đánh giá, rất nhiều chủ thể OCOP trên địa bàn Hà Nội đã không đáp ứng được các tiêu chí đặt ra. Hàng trăm sản phẩm đã được Hội đồng OCOP Thành phố, Hội đồng OCOP của các quận, huyện trả lại, yêu cầu khắc phục, hoàn thiện.

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, ngay từ giai đoạn đầu thực hiện Chương trình OCOP, Thành phố chủ trương không chạy theo số lượng sản phẩm. Chính vì vậy, việc đánh giá, phân hạng được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm khách quan, công tâm.

“Thành viên Hội đồng OCOP đến từ nhiều sở ngành của Thành phố, bám sát các tiêu chí được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng như quy chế hoạt động của Hội đồng OCOP Thành phố để bảo đảm các sản phẩm được cấp sao là xứng đáng…”, ông Ngọ Văn Ngôn nói thêm.

Để OCOP trở thành thương hiệu mạnh

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, lũy kế từ năm 2019, khi Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phát động, đến nay Thành phố đã đánh giá, phân hạng được 3.315 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao.

Kết quả trên không chỉ đưa Hà Nội trở thành địa phương có số lượng sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP nhiều nhất cả nước, mà còn hoàn thành sớm trước 1 năm mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ khoá XVII giai đoạn 2021 - 2025 (phấn đấu công nhận được ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP).

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, trong giai đoạn đầu thực hiện Chương trình OCOP, Thành phố chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Tuy nhiên để tăng sức cạnh tranh, tạo dựng được thương hiệu mạnh cho sản phẩm OCOP, trong giai đoạn tới, Thành phố sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đặc sản bản địa.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Đại, để kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP, hàng năm, Thành phố đều thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc triển khai Chương trình OCOP và thực tế hoạt động sản xuất tại các cơ sở. Qua giám sát, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, thậm chí là thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đối với các chủ thể không duy trì các tiêu chí theo quy định.

Trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời hạn hiệu lực. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm để dự thi nâng hạng, từ đó gia tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP của Thủ đô./.

NT (Theo Báo KT & ĐT)