Căn cứ kế hoạch số 102/KH-SNN ngày 29/11/2024 của Sở Nông nghiệp & PTNT về Kế hoạch sản xuất trồng trọt thành phố Hà Nội năm 2025; Để đảm bảo cho mạ và lúa Xuân 2025 sinh trưởng, phát triển tốt, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã ban hành văn bản số 4205/SNN-TTBVTV hướng dẫn kỹ thuật gieo mạ, chăm sóc mạ và lúa Xuân 2025 như sau:
- Kỹ thuật gieo mạ
- Giống
- Cơ cấu giống:
+ Nhóm lúa thuần chất lượng tập trung vào một số giống chủ yếu như J02, TBR225, Đài Thơm 8, HDT10, VRN 20, TBR 279, Dự Hương 8, TBR 97,
TBR89, HD11...; các giống lúa nếp tập trung các giống nếp 87, nếp 97, nếp A sào...; các giống lúa thảo dược.
+ Nhóm giống lúa thuần năng suất chiếm tập trung vào một số giống chủ yếu như Thiên ưu 8, Khang Dân, BC15…
+ Nhóm giống lúa lai tập trung vào các giống Nhị Ưu 838, TH3-5, TH3-4...
- Chất lượng giống: sử dụng giống nguyên chủng, giống xác nhận được mua tại các cơ sở buôn bán có uy tín, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.
Chuẩn bị nguồn giống lúa dự phòng để gieo mạ hoặc gieo thẳng, gieo sạ kịp thời nếu rét kéo dài gây chết mạ, thiếu mạ; có kế hoạch sớm trong trường hợp phải chuyển đổi lúa sang các cây trồng cạn để có sự chỉ đạo đồng bộ về vùng, cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng,... nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
- Thời vụ: Gieo mạ tập trung từ 20/01/2025 đến 03/02/2025.
Theo dõi sát diễn biến thời tiết và lịch làm đất, lấy nước của từng vùng, từng địa phương để bố trí lịch thời vụ gieo mạ cụ thể nhằm đảm bảo có đủ mạ chất lượng cao phục vụ cấy lúa Xuân trong khung thời vụ tốt nhất, không để ruộng chờ mạ; không cấy mạ già, ống.
- Làm đất
Ruộng gieo mạ bằng phẳng, cày, bừa kỹ, nhuyễn bùn, sạch cỏ dại; mặt luống phẳng, rộng 1,2 - 1,4 m, cao 10 - 25 cm, rãnh rộng 30 - 40 cm, dễ thoát nước, chăm sóc cho mạ.
Bố trí gieo mạ thành vùng tập trung để thuận tiện trong chăm sóc, tưới tiêu và quản lý ruộng mạ.
- Phân bón
- Lượng bón cho 01 ha: 6.000 - 8.300 kg phân chuồng + 400 - 550 kg super lân (tương ứng 400 - 500 kg phân chuồng; 10-15 kg super Lân cho 01 sào Bắc bộ). Tuyệt đối không dùng phân đạm, phân NPK và các loại phân bón khác bón lót cho mạ xuân.
- Cách bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân trước khi bừa lần cuối.
- Gieo mạ, chăm sóc mạ
Xử lý hạt giống, ngâm, ủ hạt giống theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Gieo mạ theo phương thức mạ dược là chủ yếu, khuyến khích áp dụng gieo mạ khay, cấy máy.
- Lượng giống gieo trung bình từ 20 - 25 kg/sào (tương đương 0,05 - 0,07kg thóc giống/m2), tương đương với tỷ lệ cấy 1 mạ/20 - 25 diện tích cấy.
- Nên gieo mạ nền vào buổi trưa, khi nhiệt độ không khí trên 150C; chia mống mạ ném làm 2 - 3 lần cho đều, ném úp tay để mống chìm sâu (kín hạt) vào đất. Sau khi gieo xong tiến hành che phủ nilon ngay.
- Chăm sóc mạ: Luôn giữ cho mạ đủ ấm, ẩm (ẩm độ 85 - 90%), không giữ nước trên mặt luống.
- Kỹ thuật che phủ nilon chống rét cho mạ
- Dùng tre, nứa cật vót mỏng 1 cm, rộng 2 cm, dài 2 - 2,2 m đủ làm khung cho luống mạ rộng 1,2 m, cứ 1 - 1,5 m chiều dài luống cắm 1 thanh làm vòm khung. Sau đó, lấy 1 thanh tre dài hoặc dây nilon buộc liên kết các vòm ở phần đỉnh, hai bên hông làm toàn bộ khung có kết cấu vững chắc, gặp gió mạnh cũng không bị gẫy đổ.
- Dùng nilon màu trắng, mỏng, dai, không bị rách thủng trùm kín luống mạ trên khung vòm, đỉnh khung cách mặt luống mạ 0,4 - 0,7m. Nilon được kéo lợp kín cả hai đầu vòm, hai bên mép nilon được đè chèn bằng bùn ở hai bên rãnh luống tạo thành một buồng kín trong vòng 1 tuần đầu.
Chú ý: Trong thời gian che nilon cho mạ, nếu gặp thời tiết có ẩm độ không khí cao, nhiệt độ ngoài trời tăng trên 200C, cần phải mở hai đầu nilon vào ban ngày để thoát hơi nước, tránh cho mạ bị cháy lá do nhiệt độ tăng cao đột ngột, đêm giá lạnh lại tiếp tục che nilon lại. Luôn giữ ẩm trên bề mặt luống để cây mạ phát triển tốt.
- Trước khi cấy 3 - 5 ngày nên mở dần nilon (mở 2 đầu nilon 1 - 2 ngày sau 2 - 3 ngày thì mở hết) cho mạ làm quen với nhiệt độ môi trường bên ngoài mới đem cấy.
- Che nilon đúng cách giúp cho mạ chống rét, chống được chim, chuột và gia cầm phá hại. Những ngày rét đậm, rét hại nếu che được nilon, nhiệt độ bên trong luống mạ sẽ luôn cao hơn nhiệt độ bên ngoài khoảng 3 - 40C, giúp cho cây mạ có điều kiện thuận lợi để sinh trưởng.
- Nhằm giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng trong ngành nông nghiệp, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu gom nilon sau khi sử dụng tránh gây ô nhiễm môi trường.
* Những lưu ý khi che nilon không đúng cách
- Nếu che nilon không đúng cách như dùng nilon màu, bẩn làm cho cây mạ thiếu ánh sáng, sinh trưởng kém…; mạ yếu dễ bị nấm bệnh hại tấn công. Che nilon rách, thủng sẽ thoát nhiệt bên trong luống mạ ra môi trường bên ngoài, làm cân bằng nhiệt độ trong và ngoài nilon.
- Nếu che nilon trực tiếp trên bề mặt luống mạ khi gặp rét đậm, rét hại sương đọng trên bề mặt nilon, nước sương giá lạnh sẽ làm mạ bị héo chết loang lổ, lá mạ sinh trưởng quá mức, yếu. Khi trời ấm, nhiệt độ ngoài trời trên 25oC, ngọn lá mạ sẽ bị cháy vàng úa do nhiệt độ tăng cao đột ngột.
- Gieo sạ, cấy lúa và chăm sóc cho lúa
- Thời vụ
- Cấy tập trung trong tháng 2 từ ngày 03/02/2025 đến ngày 28/02/2025.
- Gieo sạ, gieo thẳng tập trung từ ngày 10/02/2025 đến ngày 20/02/2025, chỉ thực hiện mở rộng gieo sạ ở những diện tích chủ động điều tiết nước, nên gieo thành vùng tập trung để thuận tiện trong quản lý, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.
- Làm đất
- Thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư thực vật; tập trung lực lượng, phương tiện cày lật đất ngay sau khi đất khô, hoàn thành cày ải trong tháng 12/2024. Những diện tích vùng trũng không có khả năng làm ải phải sớm chủ động phương án làm dầm và có biện pháp diệt lúa chét, cỏ dại.
- Làm đất kỹ, nhuyễn bùn, tạo độ phẳng cả ruộng rồi dùng bao đất kéo tạo luống rộng 1,8-2,0 m, san phẳng mặt luống, giữa các luống tạo rãnh thoát nước rộng 25 - 30 cm, sâu 8-10 cm.
- Kỹ thuật cấy
Khuyến khích áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI).
- Cấy mạ non: cấy tốt nhất khi cây mạ được 2,5 - 3,5 lá (những chân vàn trũng cấy mạ 3,5 - 4 lá).
- Mật độ cấy:
+ Lúa thuần: Cấy 30 - 35 khóm/m2, 1 - 2 dảnh/khóm.
+ Lúa lai: Cấy 25 - 30 khóm/m2, 1 - 2 dảnh/khóm.
+ Gieo sạ: sử dụng 1 - 1,5 kg giống/sào.
- Xúc mạ cấy, không để mạ qua đêm, tránh để mạ dập nát làm lúa phát triển chậm sau cấy.
- Cấy thưa, cấy theo hình ô vuông để cây lúa tận dụng tối đa ánh sáng và bộ rễ có khả năng ăn sâu, ăn rộng, hút được nhiều dinh dưỡng.
* Đối với lúa mới cấy nếu gặp thời tiết rét đậm, rét hại: Cần điều tiết nước hợp lý giữ mực nước 2 - 3cm đều khắp mặt ruộng, giúp cho lúa chống rét, không được để cho ruộng cấy khô hạn.
* Với diện tích lúa gieo thẳng: nếu gặp thời tiết rét đậm, rét hại, cần duy trì nước ở rãnh, đảm bảo mặt luống luôn đủ ẩm, nếu có điều kiện dùng tro bếp, rơm rạ bón đều trên mặt luống để tăng cường khả năng chống rét.
- Bón phân
- Bón phân cân đối, hợp lý, không lạm dụng phân đạm, không bón phân đạm muộn; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân NPK chuyên dùng.
- Lượng phân bón:
+ Phân chuồng hoai mục: lượng bón 7.000 - 8.500 kg/ha (tương đương 250 - 300 kg/sào; nếu không có phân chuồng có thể sử dụng phân vi sinh lượng 550 - 830 kg/ha (tương đương 20 - 30 kg/sào).
+ Đạm: 83 - 138,5 kg/ha (tương đương 3 - 5 kg/sào) tùy từng chân đất (bón giảm 10 - 20% trên chân đất trũng và tăng 10 - 20% trên chân đất vàn cao)
+ Lân Super: 277 - 554 kg/ha (tương đương 10 - 20 kg/sào).
+ Kali clorua: 111 - 166 kg/ha (tương đương 4 - 6 kg/sào).
- Phương pháp bón:
+ Bón lót: trước bừa cấy 100% lượng phân chuồng và phân lân, 30% đạm.
+ Bón thúc đẻ nhánh: khi lúa cấy ra rễ mới (khoảng 10-12 ngày sau cấy): 50% lượng đạm và 50% lượng kali.
+ Bón thúc đón đòng: 20% lượng đạm (nếu cần) và 50% lượng kali còn lại.
- Đối với phân NPK: Lượng bón và phương pháp bón thực hiện đúng theo hướng dẫn của Nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm.
* Chú ý: Đối với những diện tích bị ảnh hưởng của nước thải từ trang trại chăn nuôi hoặc các nguồn nước tưới có lượng đạm tự do cao thì cần giảm lượng đạm bón cho lúa. Đặc biệt đối với những chân đất trũng có thể sử dụng các loại phân NPK nhả chậm có hàm lượng đạm thấp.
- Điều tiết nước
Đây là khâu đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lớn, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của bộ rễ, từ đó ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và tính chống chịu của cây lúa, cụ thể:
- Giai đoạn sau cấy đến đẻ nhánh: Giữ nước trong ruộng 3 - 5 cm.
- Giai đoạn sau bón thúc đẻ nhánh 4-5 ngày thực hiện rút cạn nước để ruộng khô nứt chân chim.
- Khi bón thúc đợt 2 (bón đón đòng) giữ mực nước nông thường xuyên, ổn định 5 - 7 cm đến khi lúa chín sáp.
- Khi lúa chín sáp rút cạn nước để lúa chín nhanh, tập trung, tạo thuận lợi cho thu hoạch.
- Phòng trừ sâu bệnh
Thực hiện tốt chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Chú trọng các biện pháp BVTV, cấy các giống có khả năng kháng bệnh ở những vùng trước đây thường xảy ra ổ dịch Đạo ôn, Rầy nâu,...Thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện và phòng trừ các đối tượng dịch hại theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội. Lưu ý theo dõi, phòng trừ các đối tượng dịch hại sau:
- Chuột, bệnh đạo ôn lá, bọ trĩ,…gây hại trên mạ.
- Ốc bươu vàng: Phát sinh gây hại ngay từ đầu vụ giai đoạn lúa mới cấy - đẻ nhánh. Tập trung gây hại ở những chân ruộng trũng, lưu nước.
- Chuột: Phát sinh gây hại ngay từ đầu vụ, cao điểm gây hại cuối tháng 3 đến tháng 4 ở giai đoạn lúa làm đòng và hại nặng cục bộ những diện tích lúa ven làng, gò đồi, gần các khu công nghiệp...
- Bệnh đạo ôn: Bệnh đạo ôn lá phát sinh từ đầu tháng 3 trên trà xuân sớm, gây hại mạnh từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 trên các trà lúa. Bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5. Các giống nếp, BC15, TBR225, J02, J01, ĐS1, … sẽ bị hại nặng.
- Rầy nâu, rầy lưng trắng:
+ Rầy lứa 2 phát sinh giữa tháng 4, gây hại nặng cục bộ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 trên trà sớm giai đoạn lúa chín sữa- chín sáp.
+ Rầy lứa 3 phát sinh giữa đến cuối tháng 5, gây hại mạnh từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 trên trà trung và trà muộn giai đoạn lúa chín sáp. Các giống nếp, TBR 225, HT1, Bắc thơm số 7… sẽ bị hại nặng nếu không phòng trừ kịp thời.
- Sâu đục thân hai chấm: bướm lứa 2 vũ hoá giữa đến cuối tháng 4, sâu non gây bông bạc trên trà trung và trà muộn từ đầu đến giữa tháng 5, có khả năng hại nặng cục bộ một số diện tích trỗ sau ngày 10/5.
- Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu non lứa 2 phát sinh đầu tháng 4, cao điểm gây hại trung tuần tháng 4 trên trà sớm và trà trung giai đoạn lúa làm đòng; Sâu non lứa 3 phát sinh cuối tháng 4 đầu tháng 5, cao điểm gây hại giữa tháng 5 trên trà muộn, những diện tích lúa thừa đạm giai đoạn lúa làm đòng.
- Bệnh khô vằn: Phát sinh gây hại từ cuối tháng 3, cao điểm gây hại từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5 giai đoạn lúa sau trỗ. Những ruộng cấy dày, rậm rạp, bón thừa đạm sẽ bị hại nặng.
- Bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn: Phát sinh gây hại từ cuối tháng 4, cao điểm gây hại đầu đến giữa tháng 5 trên các giống nhiễm sau mưa giông.
- Ngoài ra, chú ý một số đối tượng khác như ruồi đục nõn, bọ xít, bệnh nghẹt rễ, bệnh đen lép, bệnh hoa cúc...
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của sinh vật hại, tổ chức phòng trừ kịp thời những diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao./.
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội