Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đại Thắng phát triển đa dạng ngành nghề

Hiện nay, người dân xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên) có thu nhập chủ yếu từ nghề sản xuất tiểu - thủ công nghiệp (chiếm tỷ lệ hơn 70%). Nhờ ngành nghề phát triển đa dạng, đời sống của người dân nơi đây ngày một nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, giàu đẹp.



Đại Thắng là một trong những xã có nhiều ngành nghề phát triển mạnh của huyện Phú Xuyên. Trong đó, người dân tập trung vào các nghề: Đan lưới, bật bông, may vỏ chăn, may màn xuất khẩu, sản xuất bàn ghế nhựa, bàn ghế inox, đúc tượng, sản xuất đồ gỗ, sản xuất bếp đun trấu…

Điển hình như thôn Phú Đôi có rất nhiều xưởng may màn xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Tại Công ty Hồng Hải - nơi đang tạo việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động, anh Lã Văn Chiu - Giám đốc Công ty chia sẻ, công ty đi lên từ cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp của làng nghề, đã không ngừng mở rộng các mặt hàng màn tuyn, chăn, ga, gối, đệm... Gần đây, công ty có thêm mặt hàng mới là màn tự bung rất thuận lợi, gọn nhẹ cho việc sử dụng, trở thành thương hiệu có uy tín. Từ năm 2014, sản phẩm dệt may của Công ty Hồng Hải đã lọt vào Tốp 300 thương hiệu hàng đầu Việt Nam do người tiêu dùng bình chọn và đã được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận.

Nhìn chung, sản phẩm dệt may của làng nghề Đại Thắng có chất lượng vượt trội, cạnh tranh được với nhiều thương hiệu lớn. Đặc biệt, nhiều lao động tay nghề cao có thu nhập hàng chục triệu đồng/người/tháng. Ngoài nghề may màn tuyn, ở Đại Thắng còn nhiều nghề khác như cơ khí. Điển hình là cơ sở sản xuất của hộ gia đình anh Đăng Huấn, chuyên sản xuất các loại giá đỡ ti vi, loa thùng, chân đế tủ lạnh, máy giặt… tạo việc làm cho hơn 30 công nhân với thu nhập ổn định ở mức khá. Sản phẩm cơ khí của cơ sở Đăng Huấn được tiêu thụ mạnh trên địa bàn cả nước.

Hiện nay, trên địa bàn xã Đại Thắng có 8 doanh nghiệp lớn, 90 cơ sở sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm cho 80% số hộ của địa phương. Làng quê Đại Thắng hôm nay phong quang sạch đẹp với những con đường bê tông rộng thoáng cho xe máy, ô tô ra - vào nhộn nhịp. Thu nhập từ làm nghề của người dân địa phương trung bình đạt 5-10 triệu đồng/ người/tháng.

Chủ tịch UBND xã Đại Thắng Nguyễn Văn Hoa cho biết, người dân Đại Thắng vốn cần cù chịu khó, luôn tìm tòi học hỏi và tiếp thu nhanh cái mới. Không những thế, họ còn chủ động tìm việc làm, tìm nghề để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống. Với sự đa dạng ngành nghề, địa phương đang được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng. Thời gian tới, khi hoàn thành, Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết về mặt bằng cho nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh trong làng nghề, góp phần giảm ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Bên cạnh đó, Đại Thắng cũng đang được quan tâm đầu tư mở rộng nhiều tuyến đường giao thông kết nối với các địa phương lân cận, tạo đà cho ngành nghề mở rộng, phát triển bền vững, từ đó có thêm điều kiện xây dựng quê hương Đại Thắng ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

TA (Theo Báo HNM)