Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hoài Đức: Tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo năm 2024

Theo thống kê, toàn huyện Hoài Đức có tổng đàn chó, mèo là 10.449 con, trong đó có 9.280 con chó và 1.169 con mèo. Trước tình hình cao điểm của mùa nắng nóng, nguy cơ xảy ra dịch bệnh dại là rất cao, vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hoài Đức đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo năm 2024. Tham dự lớp tập huấn có đại diện lãnh đạo Phòng kinh tế huyện, lãnh đạo và viên chức Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp; nhân viên chăn nuôi thú y và người trực tiếp tham gia tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo tại các xã, thị trấn.



Trong buổi tập huấn, các đại biểu được báo cáo viên của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thông tin về tình hình bệnh dại ở động vật tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng những năm gần đây, đặc điểm bệnh dại động vật, kỹ thuật tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo và các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật. Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp & PTNT, từ ngày 01/01/2024 đến ngày 09/4/2024, cả nước có 27 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2023). Số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại gần 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm trước).

Tại Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến ngày 22/02/2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội không có người tử vong vì bệnh Dại. Tuy nhiên, đã xảy ra 02 ổ dịch Dại trên động vật tại huyện Sóc Sơn. Tổng số động vật mắc bệnh là 05 con; tổng số chết, tiêu hủy là 09 con.

Tại buổi tập huấn, báo cáo viên đã nhấn mạnh về công tác quản lý đàn chó, mèo nuôi, quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ nuôi chó, mèo đối với cộng đồng, xã hội; công tác phối hợp trong phòng, chống bệnh dại ở người và động vật; hướng dẫn kỹ thuật bảo quản vắc xin, kỹ thuật tiêm phòng, kỹ thuật xử lý khi bị chó, mèo cắn, các biện pháp xử lý khi phát hiện vật nuôi mắc bệnh dại.

Kết thúc buổi tập huấn, lãnh đạo Trung tâm đã nhấn mạnh để thực hiện phòng, chống dịch bệnh dại hiệu quả, các địa phương cùng chủ nuôi chó, mèo cần triển khai thực hiện tốt văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, UBND thành phố. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân. Hướng dẫn chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong chăn nuôi gia súc, nhất là quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh./.

Trung Xuân