Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức Hội thảo với chuyên đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ”. Chủ trì Hội thảo có ông Lê Minh Lịnh - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Lâm Đồng, ông Đào Thanh Vân - Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị. Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo 26 Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các tỉnh, thành phố là thành viên Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị, cùng nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng.


Ban chủ tọa Hội thảo chuyên đề Khuyến nông đô thị lần 1 năm 2024.

Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp & PTNT, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng các công nghệ số, trí tuệ nhân tạo là giải pháp khả thi để giúp nông nghiệp đô thị Việt Nam tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Đối với Lâm Đồng, tỉnh dẫn đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu cho biết: trên địa bàn tỉnh đã hình thành, công nhận 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 18 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; 90 hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; 182 chuỗi liên kết với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, hợp tác xã với gần 17.000 nông hộ nông dân...

Tại Hội thảo, đại biểu đã thảo luận và đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp như: Ban hành những chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân áp dụng nông nghiệp thông minh 4.0 với lộ trình và nguồn lực hợp lý; đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao đồng bộ về nông nghiệp thông minh 4.0; Xây dựng kế hoạch dài hạn triển khai nông nghiệp thông minh 4.0, nông nghiệp hữu cơ với những sản phẩm OCOP có tính đặc thù mỗi địa phương để phát triển nông nghiệp bền vững; Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp dựa trên công nghệ tiên tiến như blockchain giúp lưu trữ và liên kết các thông tin, dữ liệu trong toàn bộ chuỗi cung ứng nông sản.../.

Lưu Phượng