Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xuất khẩu nông sản đang dần tăng trở lại

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn phát huy vai trò trụ đỡ, góp phần ổn định an ninh, lương thực trong nước, đáp ứng mục tiêu xuất khẩu do Thủ tướng Chính phủ giao.



Thông tin từ Bộ Nông nghiệp & PTNT, từ đầu năm 2023 đến nay, ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển trong bối cảnh nhiều khó khăn. Chuỗi cung ứng đứt gãy, tổng cung - cầu bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó là tác động của lãi suất, lạm phát, chiến tranh Nga - Ukraine, biến đổi khí hậu...

Trong bối cảnh một ngày trên thế giới có 820.000 người thiếu đói, nhưng Việt Nam vẫn bảo đảm được an ninh, lương thực. Năm 2023, điều kiện chiếu sáng thấp, thiếu hụt nguồn nước, tuy nhiên bà con nông dân cũng như các địa phương đã năng động tổ chức sản xuất.

Diện tích canh tác lúa giảm nhưng năng suất tăng. Hiện nay, thống kê cả nước đang sử dụng 85% giống lúa mới vào sản xuất. Cho đến nay, 89% tổng sản lượng gạo là sản phẩm chất lượng cao. Riêng đối với gạo, hiện đã xuất khẩu 3,9 triệu tấn, thu về hơn 2 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, xuất khẩu nông lâm sản và thuỷ sản gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu chuyển biến tích cực qua từng tháng. Tính đến giữa tháng 5/2023, xuất khẩu nông lâm sản và thuỷ sản đạt 20,26 tỷ USD. Trong đó, nhóm nông sản đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,9%; chăn nuôi 190 triệu USD, tăng 34,5%.

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường lớn nhất. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 19,8% và Nhật Bản chiếm 7,8%. Dự kiến cuối quý III, Việt Nam sẽ xuất khẩu vượt kết quả của năm 2022 và cuối năm nay có thể đạt mục tiêu 55 tỷ USD của cả năm 2023 theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Đại diện Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết, từ nay đến cuối năm 2023, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Giá vật tư đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao, tình trạng khô hạn, thiếu nước dẫn đến thiếu điện. Thiên tai năm 2023 được dự báo sẽ rất phức tạp…

Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tổ chức sản xuất vụ Mùa 2023, vụ Đông Xuân 2023 - 2024. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai…

Theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành thị trường trong nước, Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ; phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch. Tổ chức tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ qua nền tảng số, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt 55 tỷ USD…

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu trên, Bộ Nông nghiệp & PTNT đề nghị các doanh nghiệp cần tận dụng các Hiệp định thương mại thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực. Đồng thời, các bộ ngành, cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới, phối hợp bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.../.

NB (Theo Báo KTĐT)