6 chốt kiểm dịch hoạt động ngày đêm
Để kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc ra, vào địa bàn Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã thành lập 6 chốt kiểm dịch liên ngành. Trong đó, có 2 chốt kiểm dịch tại đầu mối giao thông quan trọng gồm: xã Trần Phú (Chương Mỹ) và xã Châu Can (huyện Phú Xuyên).
Ngoài ra còn có 4 chốt kiểm dịch được bố trí tại các chợ đầu mối Hà Vỹ (huyện Thường Tín), chợ Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh), cơ sở giết mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) và cơ sở giết mổ Minh Hiền (huyện Thanh Oai).
Lực lượng tham gia trực chốt kiểm dịch động vật liên ngành gồm cán bộ cảnh sát giao thông, quản lý thị trường và thú y; thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật trên cạn ra, vào địa bàn Hà Nội.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, các chốt liên ngành đã thực hiện việc kiểm soát, phúc kiểm vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật đối với 41.838 ô tô; 4.058 xe máy. Số động vật, sản phẩm động vật được phúc kiểm tại 6 chốt là 13.815 con trâu, bò; hơn 1,26 triệu con lợn; gần 20,7 triệu con gia cầm và khoảng 2 triệu quả trứng.
Quá trình kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn Hà Nội, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý vi phạm đối với 3 trường hợp vào các tháng 5, 7, 9/2023; tiến hành tiêu hủy hơn 1 tấn lợn, cánh gà không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử phạt 7,5 triệu đồng 1 trường hợp không chấp hành đúng quy định về kiểm dịch và lấy mẫu xét nghiệm 2.000 con gà con tại huyện Phú Xuyên.
Đề nghị lập chuyên án, xử lý nghiêm vi phạm
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn TP hiện nay vẫn đang gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do Hà Nội có nhiều tuyến đường cao tốc nối với các tỉnh, TP; nhiều tuyến đường mới mở có đường ngang, lối tắt, không có chốt kiểm soát nên các phương tiện vận chuyển thường lựa chọn để di chuyển nhằm né tránh sự kiểm soát của các chốt kiểm dịch liên ngành.
Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức chấp hành quy định của pháp luật đối với các hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là động vật giống là thách thức lớn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thời gian qua, công tác ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, nhất là gia cầm được TP rất quan tâm, chỉ đạo. Ngày 5/10/2023, UBND Thành phố đã ban hành Văn bản số 3172/UBND- KTN; đến ngày 9/10/2023, Ban Chỉ đạo 389 của Hà Nội tiếp tục có Văn bản số 53/CQTT- KT-PHLN chỉ đạo công tác này.
Để ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật, thời gian tới, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm công tác quản lý nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật nhập về và xuất ra khỏi địa bàn thành phố.
Ngành nông nghiệp cũng sẽ chỉ đạo lực lượng thú y thực hiện khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật qua các chốt. Tổ chức hướng dẫn, giám sát tiêu hủy khi phát hiện động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh và xử lý các vi phạm về kiểm dịch, vận chuyển động vật theo quy định hiện hành.
Nhận định những tháng cuối năm 2023, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm động vật sẽ tăng cao, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã bố trí thêm các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát, kiểm soát tại các chợ đầu mối; tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm trên các tuyến đường từ các tỉnh biên giới về Hà Nội. Đồng thời giao các cơ quan, lực lượng chức năng của địa phương thành lập chuyên án, điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm trái phép./.
NB (Theo Báo KTĐT)