Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng Nguyễn Tuấn Hồng, nơi đây là vùng rau trọng điểm của huyện Đông Anh, với diện tích hơn 100 ha, sản lượng đạt từ 170.000 đến 180.000 tấn/năm, trong đó có khoảng 20 ha rau an toàn. Thời gian qua, hợp tác xã đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi các giống rau, củ, quả, nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Hiện tại, hợp tác xã đang sản xuất và bán các loại rau: Muống, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, đậu bắp, mướp hương…
Để giám sát chất lượng rau an toàn ở ruộng của xã viên, hằng năm, hợp tác xã đều tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên rau; các lớp kiến thức khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và sơ chế rau an toàn cho các thành viên, hộ nông dân đang trực tiếp sản xuất. Ngoài ra, hợp tác xã đã thành lập 5 tổ giám sát cộng đồng với 85 hộ nông dân tham gia...
Cũng để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, hợp tác xã còn đầu tư xây dựng nhà sơ chế sản phẩm rau sạch, với dây chuyền đóng gói hiện đại, có nguồn gốc từ Nhật Bản, trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Sản phẩm rau sạch của hợp tác xã sau khi thu hoạch được sơ chế và đưa vào kho bảo quản đúng theo quy trình rau an toàn, bảo đảm luôn giữ được độ tươi của sản phẩm. Việc đóng gói, dán nhãn bằng máy móc tự động cũng giúp sản phẩm của hợp tác xã đáp ứng được các tiêu chuẩn của đơn vị bán lẻ về mẫu mã và bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Do đó, rau an toàn của hợp tác xã được người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng, mỗi ngày cung cấp cho thị trường Hà Nội từ 6 đến 7 tấn rau, củ, quả các loại. Đồng thời, hợp tác xã đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ với một số kênh phân phối lớn, như: Siêu thị, hệ thống bán lẻ T-mart và ký kết với các trường học, bếp ăn tập thể...
Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Anh Nguyễn Hồng Tuyển cho hay, để giám sát chất lượng rau, trạm đã hỗ trợ hợp tác xã tập huấn kỹ thuật, ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc đồng ruộng. Trong thời gian tới, Hợp tác xã Bắc Hồng cần tiếp tục duy trì và củng cố các mảng hoạt động hiệu quả, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng khép kín, đa dạng hóa các chủng loại rau, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Còn theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Hà Tiến Nghi, lựa chọn sản xuất rau sạch, rau an toàn đang là hướng đi đúng của Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng nói riêng và thành phố nói chung. Tuy nhiên, việc phát triển rộng loại hình rau sạch, rau an toàn đang gặp khó khăn, do chi phí sản xuất cao, trong khi giá bán ra lại chưa tương ứng.
Cũng theo ông Hà Tiến Nghi, để phát triển hơn nữa các mô hình sản xuất rau sạch như của Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng, trong thời gian tới, huyện Đông Anh cần tiếp tục hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từng bước phát triển vùng nông nghiệp sinh thái bền vững./.
TA (Theo Báo HNM)