Thành công nhờ chuyển đổi đúng hướng
Tại Hà Nội, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo định hướng thị trường, tính đến nay, Hà Nội đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được hơn 8.000ha. Đồng thời, TP đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Từ việc chuyển đổi các mô hình nông nghiệp, Hà Nội đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả, vùng chăn nuôi an toàn... Đặc biệt, Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng/ha/năm.
Chia sẻ về những thành công bước đầu, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Bình (huyện Thường Tín) Nguyễn Xuân Huy cho hay, từ năm 2020, hợp tác xã đã triển khai dự án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng cây hằng năm sang sản xuất, sơ chế, chế biến và bảo quản rau, củ quả an toàn ứng dụng công nghệ cao" nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trên diện tích hơn 7.300m2, hợp tác xã đã xây dựng 3.000m2 nhà lưới, nhà màng với tổng mức đầu tư trên 1,7 tỷ đồng. Với việc trồng 10.000 gốc dưa giống Ichiba và Thiên Nữ, mô hình cho lợi nhuận cao gấp 5 - 6 lần so với cấy lúa.
Theo báo cáo đánh giá của Bộ Nông nghiệp & PTNT, việc tổ chức sản xuất gắn với phát triển các vùng nguyên liệu chất lượng đạt chuẩn, tập trung, quy mô lớn, phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây cũng là nhóm giải pháp giúp giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho nông sản.
Cốt lõi vẫn là tổ chức lại sản xuất
Hiệu quả của việc chuyển đổi các mô hình nông nghiệp theo tín hiệu thị trường đã rõ, nhưng quá trình triển khai gặp không ít khó khăn do cơ sở hạ tầng ở các vùng chuyển đổi chưa đáp ứng được yêu cầu nên hiệu quả chưa như mong đợi. Trong khi đó chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa được thực hiện quyết liệt.
Do vậy, thành công mới dừng lại ở các mô hình chuyển đổi các loại cây rau màu, cây ăn quả, dược liệu…; việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản vẫn ở mức thấp; nhiều tỉnh, thành phố chưa đạt mục tiêu đề ra.
Để các mô hình chuyển đổi nông nghiệp phát huy hiệu quả, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) Đinh Cao Khuê kiến nghị, tại các vùng chuyển đổi, địa phương cần lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp điều kiện của vùng sinh thái, có khả năng chống chịu sâu bệnh để đưa vào sản xuất. Đồng thời, cần tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân.
Khuyến nghị về thực thi chính sách, GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa, tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện một cách khác nhau hoặc không thống nhất giữa các cấp, ngành tại cùng một địa phương.
Khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức lại sản xuất theo tín hiệu thị trường, gắn với nhu cầu thị trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan khuyến cáo, nông dân cần chuyển đổi tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ, chuyển sang sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ, thuốc bảo vệ sinh học để tiết kiệm chi phí.
Mặt khác, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến về mục đích, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, tạo ra nguồn hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
Đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2023. Theo đó, cả nước dự kiến thực hiện chuyển đổi khoảng 146.460 ha cây trồng trên đất lúa. Trong đó, diện tích trồng cây hàng năm là gần 79.882 ha, cây lâu năm là hơn 24.854 ha, còn lại là diện tích các cây trồng khác.../.
NB (Theo Báo KTĐT)