Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hai nông dân làm kinh tế giỏi ở xã miền núi Vân Hòa

Đến xã Vân Hòa (Ba Vì), không ai là không biết đến gương hai nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và cấp thành phố, đó là anh Hà Văn Tình ở thôn Muồng Phú Vàng và gia đình chị Bùi Thị Xuân ở thôn Mồ Đồi.



Tấm gương đầu tiên là anh Hà Văn Tình, sau gần 10 năm nuôi gà đẻ trứng, đến nay, trang trại gà đẻ trứng của anh Tình đã được áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, nước uống đảm bảo vệ sinh, khử trùng tiêu độc định kỳ, cách ly, tiêm phòng đầy đủ vacxin theo quy định, đàn gà phát triển tốt.

Anh Tình cho biết thêm, để đàn gà phát triển tốt thì khâu chọn giống, chăm sóc đúng quy trình là yếu tố thành công, sau khi mua gà về phải thường xuyên theo dõi, gần như ăn ngủ cùng đàn gà để điều chỉnh nhiệt độ phù hợp cho gà phát triển và tiêm vắc xin định kỳ, đủ liều lượng nên đàn gà phát triển rất tốt. Sau 5 tháng nuôi đàn gà bắt đầu cho những quả trứng đầu tiên. Anh Tình chia sẻ, muốn gà đẻ đều, chất lượng trứng tốt thì thức ăn cho gà phải đảm bảo các thành phần dinh dưỡng, anh chủ động tự phối trộn để có thức ăn đạt chuẩn và giá thành thấp nhất. Để gà phòng bệnh tốt, anh thường xuyên trộn thêm vitamin và khoáng chất vào thức ăn và cho uống điện giải vào mùa hè nắng nóng. Ngoài ra, thường theo dõi quá trình phát triển, sinh trưởng của gà để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp, không để thức ăn dư thừa lãng phí.

Với 3.000 gà đẻ trứng, hiện nay, mỗi tháng anh thu khoảng 22 nghìn quả trứng. Từ nuôi gà đẻ trứng anh Tình thu lãi mỗi năm từ 300 đến 400 triệu đồng.

Đàn bò sữa 50 con của gia đình chị Bùi Thị Xuân ở thôn Mồ Đồi là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả kinh tế làm giàu từ chăn nuôi bò sữa của gia đình. Để có thành công như ngày hôm nay, sau 14 năm nuôi bò, gia đình chị Xuân đã tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân các cấp tổ chức, nghiên cứu thêm sách báo, tài liệu, học hỏi từ những mô hình nuôi bò sữa thành công trong và ngoài xã, nắm vững kiến thức, kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng, chữa bệnh cho đàn bò của gia đình. Sau những năm tháng cần mẫn, thức khuya dậy sớm, đàn bò bắt đầu cho sữa. Chị Xuân chia sẻ, muốn cho bò sữa phát triển khỏe mạnh thì khâu chọn giống là rất quan trọng. Để bò cho sữa nhiều và chất lượng sữa tốt thì phải bảo đảm cho bò ăn thức ăn thô và cỏ cho ăn không giới hạn. Quy mô chuồng trại cũng phải thoáng mát, vệ sinh, thường xuyên theo dõi và tiêm phòng dịch bệnh cho bò. Hệ thống chuồng trại phải thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Từ đó, giúp bò ăn ngon miệng, bảo đảm sức khỏe, tăng năng suất, sản lượng sữa. Để cơ giới hóa chăn nuôi, gia đình chị đầu tư lắp hệ thống máng ăn, uống nước, mua máy vắt sữa; máy trộn thức ăn; máy băm cỏ. Ngoài ra, chị còn tận dụng phế phẩm nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi, gia đình chị trồng hơn 2 ha cỏ voi. Với 30 con bò đang cho vắt sữa hàng ngày, mỗi ngày chị thu hơn nửa tấn sữa. Chị còn là đại lý thu mua sữa của công ty Cổ phần sữa Vinamilk, tạo việc làm cho 3 lao động, có thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi khoảng 400 đến 500 triệu đồng/năm.

Anh Lê Trung Kiên, Chủ tịch hội Nông dân xã Vân Hòa cho biết thêm: “Gia đình anh Tình và chị Xuân là những điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Vân Hòa. Đây là mô hình đã và đang được nhân rộng trên địa bàn xã trong thời gian qua”./.

Hồng Đạt - Trung tâm VH, TT & TT Ba Vì