Ban đầu cũng chỉ đơn thuần tìm vài cây bưởi có thế đẹp, quả sai để bứng lên chậu bán dịp Tết, sau nhận thấy tiềm năng phát triển, cũng như giá trị kinh tế thu được cao hơn nhiều so với trồng cây ăn quả thông thường, gia đình ông Kiếm đã tập trung chuyên tâm phát triển mô hình trồng cây bưởi cảnh, cam cảnh. Để phát triển mô hình, gia đình ông đã đầu tư hơn 100 triệu đồng ban đầu để cải tạo, hoàn thiện hệ thống tưới nước nhỏ giọt, nhân cấy, lai ghép giống bưởi Diễn và cam làm cây cảnh phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Từ vài ba chậu chơi Tết ban đầu, đến nay đã phát triển lên hơn 1000 chậu bưởi cảnh, cam cảnh lớn, nhỏ. Với mức giá trung bình từ 6-7 triệu đồng/chậu, mỗi năm cũng cho trang trại của gia đình thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.
Hiện nay, ngoài việc phát triển cây cam bưởi cảnh, gia đình ông còn cấy ghép trồng cây ngũ quả gồm: bưởi, phật thủ, cam, quất, chanh đào… Trồng cây cam bưởi cảnh trên chậu để cây sinh trưởng, phát triển ra hoa, kết quả là điều rất khó, đòi hỏi kỹ thuật cao, chăm sóc tỉ mỉ, công phu, bón phân cũng phải đúng chu kỳ, liều lượng để cung cấp đủ dưỡng chất nuôi cây mới có thể ra hoa, kết quả. Với nhiều năm kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây bưởi Diễn cũng như quá trình tích lũy tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm đã giúp trang trại của gia đình ngày càng phát triển mở ra một hướng mới cho người dân địa phương khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do tốc độ đô thị hóa ngày càng cao. Hiện nay, trang trại của gia đình ông Trần Hữu Kiếm là một trong những trang trại tiêu biểu, cho hiệu quả kinh tế cao của phường Đồng Mai.
Không chỉ phát triển mô hình trồng cây bưởi cảnh, tận dụng diện tích còn lại hiện nay trang trại của gia đình ông Kiếm vẫn tiếp tục duy trì trồng các loại cây ăn quả lâu năm như bưởi, cam và chanh đào cung cấp cho thị trường Hà Nội, mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.
TT (Nguồn Đài PTTH Hà Nội)