Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng sản phẩm OCOP từ nông nghiệp hữu cơ

Huyện Cát Tiên là huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, nằm dọc sông Đồng Nai có hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng khá hoàn chỉnh, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Lúa là cây trồng chủ lực của huyện. Đây là sản phẩm được UBND tỉnh Lâm Đồng chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.



Năm 2021, huyện Cát Tiên có thêm 2 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đó là sản phẩm “Gạo lứt - Chùm ngây” và “Cám gạo - Chè xanh” của Hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Tư Nghĩa (HTX), được sản xuất từ nguyên liệu lúa hữu cơ.

Ông Lê Quang Cảnh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất Nông nghiệp và Dịch vụ tổng Hợp xã Tư Nghĩa, huyện Cát Tiên cho biết: HTX được thành lập ngày 27/4/2015 với 18 thành viên tham gia với cây trồng chính là cây lúa. Hiện HTX có 40 ha diện tích sản xuất lúa, trong đó có 20 ha sản xuất theo phương pháp canh tác hữu cơ. Ông Cảnh bắt đầu làm lúa hữu cơ từ năm 2021 và hướng dẫn bà con trong HTX làm theo, bước đầu việc sản xuất lúa hữu cơ sẽ cho năng suất thấp hơn so với canh tác thông thường, nhưng được nhiều bà con nông dân quan tâm ủng hộ, vì chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học như trước đây, sẽ tạo ra môi trường trong sạch, an toàn cho người lao động, sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

 Nhận thấy được tiềm năng, lợi ích đem lại từ canh tác lúa hữu cơ trên cánh đồng xã Tư Nghĩa, với mong muốn xây dựng được một sản phẩm có thương hiệu từ chính nguyên liệu sạch mà mình làm ra, ông Cảnh cùng với các thành viên trong HTX đã cho ra đời  02 sản phẩm OCOP là sự kết hợp tinh túy từ những sản vật của núi rừng Cát Tiên, chắt lọc tinh hoa nuôi dưỡng những giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Nguyên liệu làm tinh bột gạo lứt rang và cám gạo là từ loại gạo ST25 - loại “Gạo ngon nhất thế giới 2019” và giành giải nhì thế giới tại cuộc thi được tổ chức ở Mỹ năm 2020, được sản xuất theo quy trình hữu cơ khép kín, không có hóa chất, 100% hữu cơ. Vào vụ Đông Xuân năm 2021, 02 sản phẩm này chính thức được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đến ngày 6/8/2021 được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Cát Tiên.

HTX sản xuất Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Tư Nghĩa liên kết với 12 hộ dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ, tổng số vốn điều lệ là 320 triệu đồng. Trung bình mỗi vụ sản xuất HTX thu mua lại khoảng 30 tấn lúa hữu cơ để sản xuất ra sản phẩm OCOP. Ông Cảnh cho biết, để tạo ra được sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, đòi hỏi nguồn nguyên liệu phải được lấy từ những hạt gạo ngon nhất và sạch nhất, được sản xuất theo quy trình hữu cơ, không phẩm màu, không chất bảo quản, còn giữ nguyên hương vị đặc trưng của sản phẩm. Với những tiêu chuẩn sản xuất khắt khe cùng dây chuyền máy móc khép kín, HTX Tư Nghĩa đã từng bước khẳng định được vị thế sản phẩm “Gạo lứt - Chùm ngây” và “Cám gạo - Chè xanh” của địa phương mình. Được biết, hiện sản phẩm đã được xuất hiện trưng bày tại nhiều hội chợ lớn và các tỉnh thành trong nước. Ước tính mỗi tháng xuất ra thị trường từ 500 đến 1.000 gói sản phẩm, doanh thu đạt 300 triệu đồng/tháng. Cùng với việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, mục tiêu của HTX trong thời gian tới, tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, chế biến theo công nghệ dây chuyền hiện đại khép kín, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm để cung cấp thị trường trong nước, hướng tới thị trường xuất khẩu. Những túi “Gạo lứt - Chùm ngây” và “Cám gạo - Chè xanh” được “gắn sao” của HTX Tư Nghĩa nay đã không chỉ vương vấn trên những cánh đồng bội thu của HTX, mà đã đi xa hơn khi đã có mặt tại các đại lý trên các huyện, thành trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, sản phẩm gạo ST25 mà HTX đang sản xuất hữu cơ nằm trong đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025. Anh Cảnh cho biết: Vào đầu tháng 11/2021, sản phẩm gạo hữu cơ của HTX vừa được Công ty TNHH giám định Vinacontrol TP. Hồ Chí Minh xuống lấy mẫu sản phẩm để tiến hành phân tích các chỉ tiêu theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là một minh chứng của sự thay đổi tư duy trong sản xuất của nông dân tại huyện Cát Tiên - nói không với hóa chất, sản xuất nguồn thực phẩm sạch. Đồng thời cho thấy định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hữu cơ của tỉnh Lâm Đồng là một hướng đi đúng, góp phần thay đổi lớn cho ngành nông nghiệp của tỉnh./.

Hoàng Uyên - TTKN Lâm Đồng