Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng chuỗi liên kết, phát triển kinh tế nông nghiệp

Việc thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân đã được huyện Phú Xuyên quan tâm, hình thành một số mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung được đầu tư quy mô, tạo ra các sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.



Hình thành một số mô hình nông nghiệp liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa

Ông Lê Tiến Xuân, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên cho biết, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện đã và đang phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, góp phần xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và nâng tầm nông sản chủ lực của địa phương. Đến nay đã có 177 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao.

Huyện Phú Xuyên phấn  đấu năm  2023  có  khoảng  40 đến 45  sản phẩm được chứng nhận từ 3 sao trở lên. Cùng với phát triển nông nghiệp, việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống luôn được huyện Phú Xuyên đặc biệt quan tâm thông qua việc tổ chức Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống cấp huyện và cấp xã, gắn với các hoạt động phát triển du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.

Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung đầu tư phát triển kinh tế toàn diện, 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị  sản xuất trên địa bàn huyện Phú Xuyên đạt 6.674 tỷ đồng, tăng 6,10% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản đạt 870,7 tỷ đồng. Việc đưa các giống cây con mới có năng suất, chất lượng cao, giống cây con đặc sản vào sản xuất đã giúp tăng giá trị sản xuất, mang lại thu nhập ổn định ở mức cao cho nhiều hộ nông dân trong huyện.

Chị Hoàng Thị Nhung, Phó Giám đốc HTX Hồng Hà, Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn Vinh Hà chia sẻ, để phát huy lợi thế của địa phương, huyện đã tập trung thực hiện việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả; chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Đồng thời đã ban hành nhiều văn bản về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Đề án phát triển Rau an toàn, hoa cây cảnh; hướng dẫn thực hiện thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn…

Trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã hình thành một số mô hình nông nghiệp liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình trồng rau, quả an toàn, hữu cơ của Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn Vinh Hà, thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái. Hiện nay, Công ty có diện tích trồng rau và cây ăn quả với quy mô 5 ha (trong đó 3 ha trồng theo phương pháp hữu cơ). Nhờ hướng canh tác an toàn, Công ty đã có 16 sản phẩm rau quả tươi, an toàn được chứng nhận VietGap, 8 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Bên cạnh các sản phẩm rau an toàn, rau hữu cơ, đơn vị đã nghiên cứu và đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu rau củ hữu cơ, bao gồm Bột cần tây, bột cải bó xôi, bột rau ngót, bột bí đỏ, bột tía tô, mỳ gạo chũ rau củ, trà tía tô được sấy lạnh được người tiêu dùng đánh giá cao và tin dùng.

Đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất

Ông Đặng Văn Ký, xã Quang Trung cho biết, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua, huyện Phú Xuyên đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nhằm nâng cao giá trị canh tác, trong đó việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

Trên diện tích 5 ha, được sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật từ chuyên gia của Viện cứu Rau quả, thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT, một số hộ dân ở thôn Văn Lãng, xã Quang Trung đã liên kết, tập trung ruộng đất, đưa vào trồng thử nghiệm một số giống sen mới gồm các giống sen lấy bông, lấy ngó, lấy củ và lấy hạt. Đây là các giống sen mới do Viện Nghiên cứu Rau quả lai tạo và cung cấp.

Mặc dù mới triển khai vụ đầu tiên, nhưng bước đầu mô hình trồng sen tại xã Quang Trung đã cho thu hoạch và  được bà con nông dân đánh giá cao bởi dễ trồng, ít sâu bệnh và rất phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và chân đất trũng. Thành công bước đầu của mô hình trồng sen sẽ phát huy và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang ruộng đất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đa dạng hóa các loại sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.

Ngoài việc phát huy lợi thế ở lĩnh vực trồng trọt, huyện Phú Xuyên cũng đã thực hiện các giải pháp nhằm từng bước chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư sang chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhiều hộ nông dân đã tích cực vay vốn mở rộng sản xuất, đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín hiện đại.

Tiêu biểu như mô hình nuôi đà điểu của anh Nguyễn Phú Tiện ở thôn Vĩnh Trung, xã Khai Thái. Anh Phú Tiện đã thuê khoán khu đất ven đê để thực hiện mô hình, ban đầu là vài chục con, đến nay tổng đàn đà điểu của gia đình anh Tiện đã lên tới hơn 300 con. Hay mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng theo tiêu chuẩn Vietgap của gia đình anh Bùi Đức Xuất, ở xã Minh Tân. Trên diện tích 1.600m2 gia đình anh Xuất xây dựng chuồng trại với hệ thống khép kín, hiện đại với 3 khu chăn nuôi. Hiện tại, mô hình của anh đang nuôi trên 11.000 con gà gà Mía và gà Ai Cập siêu trứng. Trong đó, có khoảng 9.000 con đang trong giai đoạn thu trứng và 2.000 gà lứa hậu bị 2 tháng tuổi. Trung bình mỗi ngày gia đình anh Xuất cung cấp ra thị trường khoảng 7.200 quả trứng, thương lái đến tận trang trại thu mua với giá bán bình quân là 2.600 đồng/quả. Ngoài ra, mỗi năm trang trại của gia đình anh còn xuất ra thị trường hàng chục tấn gà thịt sau khi thôi đẻ.

Xác định nuôi trồng thủy sản cũng là một trong những hướng đi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Huyện Phú Xuyên đã quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản, khuyến khích người dân áp dụng thâm canh và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đồng thời chú trọng chăn nuôi theo hướng VietGAP nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững với môi trường sinh thái. Đến nay, trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã có hơn 2.500 ha được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Trong đó, vùng nuôi chuyên canh là 2.338 ha, nuôi hình thức khác là 174,18 ha.

Để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả, huyện Phú Xuyên cũng mong muốn các sở, ngành thành phố quan tâm tham mưu có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản an toàn thông qua hội chợ để quảng bá ký kết hợp đồng đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại./.

TA (Theo www.chinhphu.vn)