Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Vườn cà rốt cọng tím theo hướng hữu cơ lớn nhất tại Đà Lạt

Nhắc đến “cà rốt Đà Lạt”, các thương lái và người tiêu dùng cần biết đến xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt - đây là vùng đất nằm ở phía Đông thành phố, là vùng chuyên canh cà rốt từ hơn nửa thế kỷ nay, với diện tích hơn 120 ha, được trồng chủ yếu tại thôn Lộc Quý và thôn Đa Quý của xã.



Đặc tính cây cà rốt ở Xuân Thọ là cà rốt cọng tím, được trồng thuần chuyên canh; nếu luân canh hoặc xen canh với bất kỳ một loại rau, hoa nào khác thì hiệu quả sẽ rất thấp. Bằng cách trồng lứa này vừa lấy củ vừa tạo nguồn giống cho lứa sau, nông dân Xuân Thọ đã chuyên canh cà rốt trồng ngoài trời của vườn nhà mình theo hình thức trồng cuốn chiếu. Nhờ vậy, trên một diện tích đất, mỗi năm trồng được 2,5 - 3 lứa cà rốt và hầu như ngày nào cũng có hộ gia đình nông dân xã Xuân Thọ thu hoạch củ để bán. 

Vườn cà rốt của gia đình chị Nguyễn Thị Hà Vi tại thôn Đa Quý - vườn cà rốt được chuyển đổi, canh tác theo hướng hữu cơ từ năm 2015 với diện tích ban đầu từ 2 sào, đến nay đã phát triển lên 1,7 ha chuyên trồng cà rốt cọng tím theo hướng hữu cơ và có lẽ đây là vườn cà rốt được trồng theo hướng hữu cơ lớn nhất tại xã Xuân Thọ nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Toàn bộ vườn cà rốt được trồng tuân thủ theo quy trình canh tác nghiêm ngặt, ghi chép đầy đủ vào nhật ký sản xuất, đảm bảo sản phẩm trồng ra với chất lượng cao nhất. Vườn chỉ sử dụng phân hữu cơ và thuốc chế phẩm sinh học, không sử dụng chất hóa học, không thuốc tăng trưởng. Cứ 10 - 15 ngày xuống giống một lần/sào, hạt giống gia đình chị Hà Vi trồng là giống bản địa (chọn từ những cây cà rốt đạt chất lượng), được người Pháp mang qua vùng đất này để trồng hơn cả trăm năm nay. Vào đầu tháng 8 hàng năm, chị Hà Vi thu củ giống, sau trồng 06 tháng (đến đầu tháng 2 năm sau) là thu hoạch hạt cà rốt. Hạt cà rốt làm giống để qua 3 - 4 tháng mới gieo trồng để có củ cà rốt thương phẩm đạt chất lượng đồng đều. Cứ như vậy, hàng năm cứ lấy giống gối đầu và duy trì tự cung tự cấp giống từ đó đến nay. Trung bình gia đình chị sử dụng 2 kg giống hạt khô/sào. Tại vùng đất Xuân Thọ chủ yếu là vùng đất đỏ bazan đặc trưng của Tây Nguyên, cà rốt thường được trồng là cà rốt cọng tím, được trồng quanh năm. Còn cà rốt cọng xanh khó làm, chỉ trồng được 2 lứa, lứa thứ 3 phải trồng cây khác mới quay lại trồng cà rốt được.

Cà rốt sau trồng 100 ngày là có thể cho thu hoạch. Theo chị Hà Vi, cà rốt 100 -110 ngày cho độ ngọt tốt nhất và chất lượng đảm bảo, sau thời gian này độ ngọt sẽ giảm bớt. Thời gian thu hoạch cà rốt gần 1 tháng tùy theo số lượng đơn đặt hàng mà gia đình chị đào củ mỗi ngày. Sau khi thu hoạch cà rốt, gia đình chị cho đất nghỉ 15 - 30 ngày (ủ đất) mới xuống giống lứa mới. Trên diện tích vườn của mình, cứ 10 - 15 ngày là gia đình chị xuống giống 1 sào/lứa. Cứ cuốn chiếu liên tục nên lúc nào gia đình chị cũng có sản phẩm cà rốt phục vụ khách hàng. Mặc dù chưa được “chứng nhận sản phẩm cà rốt hữu cơ” nhưng gia đình chị đã làm theo hướng hữu cơ hơn 05 năm trở lại đây theo hướng dẫn, hỗ trợ của Nhóm Vườn rau Đà Lạt - Nhóm tập hợp những thành viên tâm huyết và canh tác tạo ra sản phẩm hữu cơ. Từ đó đã tạo niềm tin cho nhóm khách hàng của mình.

Để minh chứng cho sản phẩm cà rốt được trồng theo hướng hữu cơ của mình, chị Hà Vi đã chia sẻ toàn bộ quy trình trồng cà rốt của gia đình: Phân bón cho cà rốt chủ yếu sử dụng phân gà hữu cơ Japano của Nhật Bản, sử dụng từ đầu mùa đến cuối mùa, từ bón lót khi ủ đất đến bón thúc cho các giai đoạn phát triển của cây. Vào mùa mưa có bón thêm phân vi sinh cho cây. Cứ 1 sào cà rốt bón 30 bao phân gà hữu cơ Japano (bao 25 kg, với giá 220.000 đồng/bao). Khi ủ đất, bón lót 10 bao, cày đất lên ủ từ 15-30 ngày, kết hợp giữa ủ đất + ủ phân + lá cây, tạo ra nguồn dinh dưỡng dồi dào cho đất. Sau trồng 20 ngày, 100 ngày, 2 tháng và 3 tháng, mỗi lần bón thêm cho vườn 05 bao phân gà hữu cơ Japano/sào, là cây cà rốt sinh trưởng và phát triển tốt, đầy đủ dưỡng chất mà không cần phải sử dụng thêm loại phân nào khác. So với cà rốt cọng xanh hay bị virus làm đỏ lá, cây đứng không phát triển được, trồng cà rốt cọng tím trên vùng đất đỏ bazan này khỏe hơn hẳn, với loại phân bón hữu cơ này, nếu là cà rốt bị đỏ lá sẽ nứt ra lá mới, sâu tấn công cũng sẽ nứt ra lá mới kịp thời nên không cần can thiệp thuốc hóa học.

Trung bình 1 sào cà rốt cọng tím trồng theo hướng hữu cơ cho thu hoạch 2 - 2,5 tấn, nếu hàng đi ổn định 200 kg/ngày, giá bán 23.000 đồng/kg sẽ mang lại yên tâm cho người sản xuất. Nhưng trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng hàng đi không ổn định nên gia đình chị phải cày bỏ một phần diện tích để làm phân bón. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương trong thời gian tới trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hữu cơ thì gia đình chị Hà Vi sẽ giảm bớt diện tích, chuyển đổi sang cây trồng khác.

Anh Phan Minh Tuấn - Trưởng nhóm Vườn rau Đà Lạt, người tâm huyết tập hợp các nông hộ sản xuất hữu cơ, trong đó có liên kết với diện tích 1,7 ha cà rốt cọng tím theo hướng hữu cơ cung cấp cho người tiêu dùng chia sẻ: Với mong muốn tạo ra một nhóm nông dân kiên định làm theo hướng hữu cơ, đi theo một tiêu chuẩn riêng, tạo ra nông sản không có dư lượng hóa học trong sản phẩm, nông sản có thông tin minh bạch, rõ ràng. Trong hơn 10 năm qua, anh cùng nhóm của mình đã dẫn dắt cho hơn 10 nông dân tại các huyện ở trong tỉnh Lâm Đồng tạo ra sản phẩm đặc trưng của từng vùng và liên kết với một số tỉnh khác, tuân thủ theo nguyên tắc cơ bản của canh tác hữu cơ như không gây độc cho con người, môi trường, đất đai, dựa theo quy luật sinh thái để canh tác, công bằng với nông dân trong chuỗi sản phẩm minh bạch… Theo anh, với vườn cà rốt theo hướng hữu cơ cọng tím của gia đình chị Vi, mô hình này cần được nhân rộng và tạo được thương hiệu, bởi lẽ đây là loại cà rốt chỗ khác không có, đặc biệt trồng ở vùng đất Xuân Thọ nơi có độ cao và đất đỏ bazan, tạo ra sản phẩm cà rốt ngon - ngọt - có mùi thơm đặc trưng. Là người trực tiếp liên kết với nông hộ, đưa sản phẩm cà rốt theo hướng hữu cơ đến tận tay cho khách hàng, do ảnh hưởng của đại dịch nên lượng hàng tiêu thụ bị tắc nghẽn, gây khó khăn cho người sản xuất.

Để duy trì và phát triển vườn cà rốt theo hướng hữu cơ của gia đình chị Hà Vi, trong thời gian tới, nhóm của anh Tuấn sẽ đẩy mạnh công tác thị trường để dần tiêu thụ cà rốt ổn định, tạo sự an tâm và không để gia đình chị giảm diện tích, mất công làm theo hướng hữu cơ mấy năm nay. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ của các ban ngành địa phương hỗ trợ về chính sách như: Hỗ trợ chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ sơ chế, đóng gói… xây dựng sản phẩm OCOP, sản phẩm chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm cà rốt cọng tím đặc trưng của Xuân Thọ./.

Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng