Bồ Lý là xã miền núi khó khăn, địa hình bị chia cắt bởi đồi núi nên sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp. Song, nhờ biết khai thác tiềm năng, người dân xã xã Bồ Lý đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đưa cây na dai vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Từ cây trồng này mà nhiều hộ dân nơi đây xoá được đói, giảm được nghèo, từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Về Bồ Lý những ngày này, chúng tôi đi đâu cũng nghe người dân bàn tán xôn xao về mô hình trồng cây na dai khá hiệu quả. Họ trao đổi về kỹ thuật, giá cả và tính chuyển hầu hết diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng cây na dai.
Ông Nguyễn Văn Tuyến ở thôn Trại Mái, xã Bồ Lý là một trong những người trồng cây na dai đầu tiên trên vùng đất đồi pha cát này. Hiện tại gia đình ông trồng được hơn 500 gốc na và cả 500 gốc đang vào độ tuổi cho thu hoạch.
Ông Tuyến chia sẻ, mấy năm nay, cây na Bồ Lý không có chuyện na được mùa hay mất mùa nữa mà hoàn toàn phụ thuộc vào con người. Người dân đã biết áp dụng kỹ thuật thụ phấn, cắt tỉa cành tạo tán cho na, sử dụng phân bón có nguồn gốc sinh học để cây ra sai quả, ít bị sâu bệnh. Đặc biệt là thụ phấn nhân tạo cho cây na để cây ra quả và thu hoạch theo ý muốn. Nhờ đó, tăng năng suất và quả na không chỉ có mẫu mã đẹp mà còn có chất lượng thơm ngon, an toàn.
Ông Tuyến cho biết thêm, có ngày na chín rộ, gia đình ông thu hoạch bán được hơn chục triệu đồng. Đầu vụ, na loại 1 bán được 40 – 50.000 đồng/kg, thời điểm rộ nhất vẫn bán được 35.000 đồng/kg. Nhẩm tính sơ bộ vụ na năm 2018 này, gia đình ông Tuyến thu lãi gần 150 triệu đồng từ tiền bán na.
Cũng như nhiều hộ khác ở xã Bồ Lý, gia đình bà Nguyễn Thị Thơm ở thôn Đồng Bột cũng tất bật thu hoạch quả na. Hiện tại gia đình bà Thơm có hơn 800 gốc na, trong đó có 600 gốc đang cho thu hoạch quả. Nhờ áp dụng phương pháp tỉa cành, tạo tán nên năm nay vườn na của gia đình bà Thơm cho quả to hơn, chất lượng tốt hơn. Mỗi ngày gia đình bà Thơm thu hoạch trên 2 tạ, với giá bán 40.000 đến 50.000 đồng/kg sẽ thu về khoảng 10 triệu đồng.
Bà Thơm cho biết: “Những năm đàu trồng na thấy hiệu quả, thu hoạch cao gấp 10 lần trồng lúa mà lại không vất vả nên nhà tôi tập trung vào phát triển cây na. Hiện tại, gia đình tôi đang dự định thuê thêm đất để mở rộng thêm diện trồng cây na”.
Theo người dân, chất lượng, màu sắc của quả na dai nơi đây khác xa so với các vùng khác, quả na trồng ở Bồ Lý to, đều, vỏ mỏng, ít hạt, có vị ngọt sắc, vỏ của na màu phấn trắng nên giá của cũng cao hơn các vùng khác từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Ông Đỗ Xuân Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bồ Lý phấn khởi cho biết, việc phát triển cây na dai trên vùng đất đồi ở Bồ Lý là một trong những bước đi đột phá đã làm cho kinh tế của người dân nâng lên, không chỉ dừng lại là cây giảm nghèo mà còn giúp người dân làm giàu chính đáng. Hiện nay, toàn xã có gần 300 hộ tham gia trồng na với diện tích gần 100 ha.
Đặc biệt, tháng 5/2018, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho na dai Bồ Lý. Đây là cơ hội để cây na dai Bồ Lý nâng cao giá trị hơn, mở rộng thị trường và riển vọng mới để sản phẩm na dai Bồ Lý không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, do một số khó khăn, vướng mắc nên sản phẩm na dai Bồ Lý vẫn chưa có tem truy nguồn gốc xuất xứ nên việc quảng bá rộng rãi cho sản phẩm còn hạn chế.
Hiện nay, cây na dai vẫn chưa có một thị trường tiêu thụ ổn định, chủ yếu là thương lái thu mua đem đi bán ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Vào những thời điểm na chín rộ thường bị thương lái ép giá.
Với mong muốn mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm na dai Bồ Lý, vào tháng 7/2018, Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ và Thương mại Tam Đảo đã được thành lập, thu hút được 14 thành viên là các hộ trồng na trong xã tham gia, thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trước mắt, hợp tác xã đã tuyên truyền vận động người dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây na theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm na dai Bồ Lý.
Trong thời gian tới, Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ và Thương mại Tam Đảo hướng tới xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tổ chức điểm kết nối giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ na Bồ Lý tại các thị trường gần, có tiềm năng như Phú Thọ, Hà Nội.. để giới thiệu rộng rãi cũng như cung cấp sản phẩm quả na an toàn đến người tiêu dùng trong cả nước.
Cây na dai ở xã Bồ Lý thật sự đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các cây trồng nông nghiệp khác, góp phần đáng kể vào việc phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Vì vậy, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành trong việc phát triển, xây dựng thương hiệu, tìm thị trường để cây na dai Bồ Lý có đầu ra bền vững, góp phần giúp người nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới./.
TT (Nguồn TTXVN)