Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Vĩnh Phúc: Phát triển mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Vừa qua, tại xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, Sở nông nghiệp & PTNT tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội nghị tham quan một số giống lúa mới và ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa vụ Xuân năm 2020.



Vụ Xuân năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trên cây lúa với  diện tích 146,5ha. Mô hình được trải rộng trên địa bàn các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Dương.

Cơ giới hóa được thực hiện đồng bộ từ khâu làm đất, làm mạ, cấy và gặt. Trong đó, khâu làm mạ khay được đánh giá là khâu khó khăn nhất thì nay đã được các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông cùng bà con nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp khắc phục. Sản xuất mạ khay giúp giảm nhân công, kiểm soát được sâu bệnh, giảm lượng giống (khoảng 30%) và bảo vệ được mạ trước thời tiết thất thường hiện nay. Mạ được chăm sóc sản xuất tập trung, thuận tiện chăm sóc nên cây mạ sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh đảm bảo khi đem ra ruộng cấy

Theo báo cáo tại Hội nghị, vụ Xuân năm 2020 do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời  tiết nhiều diễn biến bất thường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa.  Tuy nhiên, qua đánh giá chung cho thấy, nhờ đưa các giống lúa mới vào sản xuất áp dụng cơ giới hóa, diện tích lúa trong mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt. Tỷ lệ thành bông của lúa cấy máy đạt 85,5%, cao hơn phương pháp truyền thống khoảng 28,5%. Năng suất dự kiến đạt 64,6 tạ/ha (lúa cấy tay đối chứng đạt 56,7 tạ/ha). Đưa cơ giới hóa đồng bộ vào gieo cấy lúa giảm được áp lực lao động nhất là lao động thời vụ và giảm các chi phí như: giảm 30% lượng giống, giảm chi phí cấy 840.000đ/ha, giảm chi phí chăm sóc lúa, đồng thời năng suất lúa lại cao hơn so với lúa cấy tay thông thường.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quốc Thanh, giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo và cấy của miền Bắc mới đạt 25%. Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu cả về kỹ thuật và yếu tố xã hội. Tuy nhiên, cơ giới hóa trong khâu gieo và cấy vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn, đặc biệt là công tác dồn điền đổi thửa. Thứ hai là khâu tổ chức dịch vụ, làm sao giúp người dân cơ giới hóa đồng bộ. Bên cạnh đó, vấn đề vốn cũng rất quan trọng, qua đó giúp người dân đầu tư máy móc sản xuất. Đặc biệt, chính quyền địa phương phải tạo được sự đồng thuận của người dân, đây là yếu tố vô cùng quan trọng để sản xuất đồng bộ thì cơ giới hóa mới thành công.

Tại Hội nghị, các đại biểu đều khẳng định hiệu quả cũng như những lợi ích của việc áp dụng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trên cây lúa và mong muốn tiếp tục mở rộng trong những vụ tiếp theo./.

Phùng Thị Thu Hà - TTKN Vĩnh Phúc