Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản

Ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản là giải pháp ưu tiên hàng đầu và đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhờ đó, sản lượng thủy sản tăng cao, góp phần bổ sung thêm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.



Đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 30.840 ha mặt nước có thể phát triển nuôi trồng thủy sản gồm ao, hồ, sông, ruộng trũng... Trong đó, tổng diện tích mặt nước đã đưa vào nuôi trồng thủy sản là 22.900 ha; ước tính sản lượng đạt 124.200 tấn/năm với giá trị sản xuất ước đạt 4.347 tỷ đồng. Ông Tạ Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, điều kiện tự nhiên của Hà Nội rất thích hợp cho phát triển thủy sản, đặc biệt là hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch của thành phố tập trung ở các huyện: Ba Vì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Trì…

Ngoài 4.327 ha hồ chứa mặt nước lớn, Hà Nội còn có các sông chạy qua, như: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Tích, sông Bùi… rất thuận lợi để khai thác thủy sản tự nhiên và phát triển nuôi cá lồng bè. Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.

Nhờ quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mà những năm gần đây, huyện Thanh Oai ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao cho thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như trang trại của anh Lê Văn Trẻo (Liên Châu, Thanh Oai) đã ứng dụng công nghệ cao vào nuôi cá, kết hợp nuôi vịt quy mô gần 10ha. Trang trại được xây dựng và vận hành bài bản từ việc đầu tư công nghệ chăn nuôi khép kín đến lắp đặt hệ thống máy sục oxy, máy trộn thức ăn, sử dụng các loại chế phẩm sinh học xử lý chuồng trại, môi trường ao nuôi. Hiện, mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường hơn 4 triệu quả trứng vịt và gần 100 tấn cá các loại, trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lãi hơn 600 triệu đồng.

Hay như trang trại nuôi cá của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa (ở xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa). Nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và chăn nuôi theo hướng an toàn, nên cá ít bị dịch bệnh, năng suất đạt 10-12 tấn/ha/năm, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cho biết, nhờ tích cực phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, đến nay, toàn Thành phố có khoảng 9.700 ha sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước trong nuôi trồng thủy sản. Đáng nói, các mô hình ứng dụng công nghệ biofloc ngày càng nở rộ, nhất là ở những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản như: Ba Vì, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên… Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã, cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất. Các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường; sử dụng thiết bị làm giàu ô xy, máng ăn tự động... qua đó, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Thành phố còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Nguồn nước nuôi trồng thủy sản còn bị ô nhiễm; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng còn ít. Đặc biệt, khâu chế biến, hình thành chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm chưa hiệu quả…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 24.000 ha trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung khoảng 11.500 ha; năng suất bình quân khoảng 14 tấn/ha trong đó vùng nuôi tập trung đạt năng suất 24 tấn/ha; sản lượng đạt khoảng 170.000-210.000 tấn; duy trì mức tăng trưởng lĩnh vực thủy sản bình quân 7%-8%/năm.

Hà Nội sẽ phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao và an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển nuôi các giống cá chép lai, cá rô phi đơn tính, trắm cỏ và các loại thủy sản - đặc sản như: Trắm đen, cá lăng, điêu hồng...

Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao phát triển thủy sản theo hướng bền vững, gia tăng giá trị, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả nhiều giải pháp. Trước hết, sẽ tham mưu với thành phố Hà Nội ban hành chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản, tránh nguy cơ gây ô nhiễm về nguồn nước và dịch bệnh.

Cùng với đó, đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ đầu tư hạ tầng, nâng cấp các máy móc thiết bị chế biến hiện đại, các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và đầu tư kho lạnh bảo quản để bảo đảm chất lượng thủy sản; hỗ trợ tập trung đầu tư hạ tầng cho các chợ cá đầu mối để thay thế các chợ tạm hiện hạn; hỗ trợ hạ tầng, trang thiết bị cho các cơ sở kinh doanh thủy sản tươi sống tại các chợ dân sinh; thực hiện đồng bộ các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm thủy sản…/.

NT (Theo Chinhphu.vn)