Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi thâm canh cá rô phi theo VietGAP liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm

Cá rô phi là đối tượng có khả năng thích ứng môi trường cao, có khả năng sống cả môi trường nước ngọt và nước lợ; là loài ăn tạp, dễ nuôi, tốc độ sinh trưởng nhanh, thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế được thị trường ưa chuộng. Trong đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, cá rô phi đã được xác định là một trong những đối tượng tiềm năng phát triển phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.



Với mục tiêu tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả để người dân trên địa bàn thành phố Hải Phòng học tập mở rộng diện tích, phát triển nuôi cá rô phi bền vững tạo sản phẩm sạch, sản phẩm ATTP.  Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi thâm canh cá rô phi theo VietGAP liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm.

Gia đình ông Phạm Trung Hiếu, thôn Kim Châm, xã Mỹ Đức, huyện An Lão đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nuôi cá nước ngọt với các đối tượng chính là cá rô phi, cá trắm, cá chép. Bắt đầu từ tháng 3/2022, gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi thâm canh cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, ông được hỗ trợ 50% con giống, thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học. Trên diện tích 0,45 ha, ông Hiếu đã thả 22.500 con cá rô phi với mật độ 5 con/m2. Đến nay, đàn cá nuôi của gia đình ông đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Điểm mới của mô hình là thực hiện ứng dụng chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi nhằm giảm thiểu hiện tượng bệnh trên đàn cá, giảm ô nhiễm môi trường. Dự kiến khi thu hoạch, mô hình cho năng suất từ 32 tấn trở lên/ha, cỡ thu hoạch đạt từ 0,7kg/con, hệ số thức ăn 1,5, tỉ lệ sống đạt từ 85% trở lên, lãi thuần thu được khoảng 250 triệu đồng/ha, tăng 15 - 20% so với mô hình truyền thống. Đặc biệt, mô hình đặt mục tiêu không sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất, áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm làm ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời từng bước nhân rộng, tạo chuỗi liên kết, cung ứng giảm chi phí đầu vào, hạn chế tình trạng được mùa mất giá, tạo vùng nguyên liệu ổn định.

Bên cạnh việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho chủ hộ, mô hình cũng thực hiện tập huấn, đào tạo cho nông dân trong và ngoài mô hình cho 300 lượt người. Từ thành công bước đầu, sau khi kết thúc, hệ thống khuyến nông cơ sở sẽ tiếp tục thực hiện chuyển giao kỹ thuật áp dụng tại 5000 ha ở các xã, phường trên địa bàn thành phố có điều kiện phù hợp nuôi cá rô phi. /.

Nguyễn Hương Giang - Trung tâm KN Hải Phòng