Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội: Mô hình nuôi cá chép ứng dụng công nghệ sông trong ao

Hà Nội là địa phương có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản lớn với tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản trên 30.800ha. Thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2013 – 2017, Thành phố đã tích cực chuyển đổi diện tích ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản tập trung kết hợp với trồng cây ăn quả, du lịch sinh thái.



 Hiện trên địa bàn Thành phố đã hình thành 56 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích trên 4.200ha,  năng suất  đạt từ 10 – 12 tấn/ha/năm và cho giá trị kinh tế từ 200 – 300 triệu đồng/ha/năm.

Riêng năm 2017, tổng diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản toàn thành phố đạt trên 21.000 ha, với tổng sản lượng nuôi đạt trên 93.623 tấn, tăng 28,56% so với năm 2013. Người nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi đã dần chuyển đổi tư duy từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi bán thâm canh và thâm canh,có sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong các khâu từ quản lý môi trường nuôi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Để phát huyhơn nữa tiềm năng, thế mạnh, nhằm nâng cao giá trị ngành chăn nuôi thủy sản của Hà Nội thì việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, quản lý môi trường nuôi tốt, giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi,qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là một trong những giải pháp phát triển chăn nuôi thủy sản hiệu quả và bền vững.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, sự phối hợp chặt chẽ của UBND các quận, huyện, thị xã và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo bà con nông dân, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã làm tốt công tác triển khai các dạng mô hình khuyến nông, trong đó có các mô hình khuyến nông thủy sản ứng dụng khoa học kỹ thuật,đưa các giống mới, công nghệ mới vào nuôi trồng. Năm 2018, Trung tâm đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá chép ứng dụng công nghệ sông trong ao”. Đây là dạng mô hình áp dụng công nghệ tiên tiến đang được ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản với nhiều ưu điểm vượt trội. Công nghệ “Sông trong ao”, cách sử dụng ao nuôi cá hiệu quả và thâm canh hóa đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng phổ biến, trong đó phải kể đến các nước phát triển như Mỹ, Israel.

Tại miền Bắc, Công nghệ sông trong ao đã được ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh,… Tham khảo tại một số tỉnh bạn đã triển khai mô hình cho thấy, hệ thống nuôi cá “sông trong ao" có nhiều ưu điểm vượt trội như quản lý môi trường tốt, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi và đặc biệt, là cho năng suất vượt trội.Bên cạnh đó, cá được nuôi trong điều kiện nước chảy, vận động liên tục, không tiếp xúc trực tiếp với bùn đáy, được sinh trưởng trong môi trường trong sạch và kiểm soát chất lượng các yếu tố đầu vào, do đó chất lượng thịt cá săn chắc, không có mùi bùn, thơm ngon hơn so với nuôi trong ao nước tĩnh truyền thống.

Vậy, nuôi cá theo mô hình sông trong ao có những ưu điểm nổi trội gì? và tại sao lại gọi là sông trong ao? Công nghệ nuôi cá “sông trong ao" dựa trên nguyên lý cơ bản là tạo môi trường nước trong sạch và dòng chảy liên tục trong ao bằng hệ thống máng nuôi với thiết bị thổi khí nén, thiết bị đảo nước tạo oxy..., đặc biệt là hệ thống thu gom phân, chất thải của cá được lắp đặt ở vị trí cuối máng nuôi. Ao nuôi phù hợp để áp dụng công nghệ này có diện tích tối thiểu từ 5.000 đến 10.000 m2, đáy ao bằng phẳng, độ sâu mực nước là 2 m, đảm bảo tổng thể tích nước trong ao luôn duy trì ổn định khoảng 20.000 m3. Với thiết kế ao nuôi như trên có thể xây dựng được 2 máng nuôi cá với thể tích 250m3/máng (kích thước: 25 x 5 x 2 m). Tùy theo diện tích và độ sâu mực nước cụ thể của ao mà thiết kế số máng nuôi phù hợp, thể tích nước ao bên ngoài quyết định số máng nuôi. Máng nuôi cá được xây bằng gạch chắc chắn, bên ngoài trát nhẵn, đáy máng cũng được trát bằng phẳng, hai đầu máng có cổng chắn bằng hệ thống lưới chắn để ngăn giữ cá. Ở đầu máng được lắp đặt hệ thống máy thổi khí nén, có nhiệm vụ đẩy nước lưu thông, tạo dòng chảy liên tục một chiều dọc theo chiều dài máng giống như một dòng sông nhỏ trong ao. Cuối máng được lắp đặt hệ thống thu gom phân, chất thải cá, đảm bảo phân, chất thải của cá luôn được thu gom triệt để ra bên ngoài ao nuôi.Vì đây là mô hình ứng dụng công nghệ mới nên Trung tâm Khuyến nông Hà Nội rất chú trọng đến khâu chọn điểm, chọn hộ. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, tham khảo mô hình tại một số tỉnh bạn, đồng thời trong suốt quá trình thiết kế, cải tạo ao, xây bể nuôi, cũng như lắp đặt trang thiết bị đều có cán bộ kỹ thuật hỗ trợ cùng với các hộ dân nhằm đảm bảo đúng quy chuẩn kỹ thuật của mô hình.

Tại Hà Nội, mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai tại 3 huyện là Quốc Oai, Phú Xuyên và Thường Tín. Mô hình có quy mô 5ha với sự tham gia của 5 hộ. Mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cá chép giống, 30% thức ăn và 30% chế phẩm sinh học. Theo đó, mỗi hộ tham gia mô hình được bàn giao 15.000 con giống cá chép V1, 35kg chế phẩm sinh học và 5.850 kg thức ăn. Cá giống được bàn giao đủ về số lượng, có chất lượng tốt, màu sắc tươi sáng, kích cỡ trung bình từ 12 -14cm/con, không có dấu hiệu bệnh lý.

Đến nay, sau 5 tháng bàn giao con giống cho các hộ tham gia mô hình nuôi, mô hình đã cho hiệu quả rõ rệt. Các hộ tham gia mô hình đã thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật đề ra, cá sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, đồng đều, trọng lượng cá hiện nay đạt bình quân từ 1 - 1,2kg/con, tỷ lệ sống cao trên 87% đặc biệt là không xảy ra dịch bệnh, môi trường nuôi luôn ở ngưỡng phù hợp với sự sinh trưởng của cá. Mô hình cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội, hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, công nghệ nuôi cá này cũng đòi hỏi nhiều yêu cầu, điều kiện khắt khe, tốn kém cần phải đáp ứng, như: về diện tích và thể tích nước phải đủ lớn; chi phí đầu tư xây dựng máng nuôi, lắp đặt thiết bị ban đầu; yêu cầu hệ thống cung cấp điện ổn định, liên tục và phải có máy phát điện dự phòng để có thể tự động thay thế điện lưới; chi phí đầu tư mua thức ăn, con giống, chất xử lý, cải tạo môi trường... Những điều kiện này không phải người nuôi cá nào cũng có thể đáp ứng và áp dụng thành công. Song nếu với quan điểm như củaông Nguyễn Bá Trung – xã Khai Thái, một trong hai hộ dân tiên phong tham gia mô hình tại huyện Phú Xuyênthì lại khác, theo ông chỉ có thể mạnh dạn đầu tư, mạnh dạn thay đổi tư duy thì người nông dân mới thành công được. Có lẽ cũng vì thế mà ông đã nắm bản chất của sông trong ao như trong lòng bàn tay và đến giờ với sản lượng ước khoảng 15 tấn cá/ bể, ông đã khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng mô hình.

Mô hình được triển khai tại Hà Nội với mục đích thay đổi tư duy của người nông dân trong nuôi trồng thủy sản, hướng tới nền sản xuất tiên tiến áp dụng tiến bộ KHKT để nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, từ công tác chọn điểm, chọn hộ,tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến hướng dẫn các hộ chuẩn bị ao nuôi, công tác bàn giao vật tư, con giống đúng tiêu chuẩnvàkiểmsoátchặt chẽ quy trìnhkỹthuậtđều được Trung tâm Khuyến nông triển khai đúng kế hoạch và tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, các hộ tham gia mô hình đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và hướng dẫn của cán bộ chỉ đạo mô hình. Cho nên mô hình đã đem lại những hiệu quả rõ nét về kinh tế, xã hội cũng như môi trường. Tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô.

Mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn liền với chủ trương, quy hoạch phát triển vùng tại địa phương, vừa nâng cao giá trị sản phẩm vừa góp phần thay đổi dần tập quán sản xuất của người dân. Chính vì vậy, mô hình đã nhận được sự ủng hộ và phối hợp tích cực của chính quyền địa phương. Kết quả của mô hình sẽ là tiền đề quan trọng để đánh giá, nghiên cứu nhân rộng mô hình tại các vùng chăn nuôi thủy sản.

Từ thực tế triển khai cho thấy, nuôi cá sông trong ao có thể nuôi được ở mật độ cao 60 con/m2 và năng suất dự kiến có thể đạt lên đến 28-30 tấn/ha. Do đó, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh hỗ trợ triển khai mô hình tại một số vùng nuôi trồng thủy sảntrên địa bàn Thành phố nhằm đáp ứng một lượng lớn thực phẩm chất lượng cho thị trường Hà Nội, đồng thời xây dựng các chuỗi sản xuất – tiêu thụ nhằm đem lại trị kinh tế cao cho người giá sản xuất cũng như giúp người tiêu dùng Thủ đô được tiếp cận và sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Mô hình “Nuôi cá chép ứng dụng công nghệ sông trong ao” cơ bản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về quá trình triển khai, nội dung và mục đích của mô hình.Góp phần phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản của của Hà Nội theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững./.

Lưu Phượng