Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Trồng rau theo công nghệ Nhật Bản: Ghi nhận kết quả mô hình điểm tại thị trấn Chúc Sơn

Vừa qua, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn đã tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình trình diễn sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ Nhật Bản. Bước đầu thí điểm thành công mô hình tại thôn Giáp Ngọ - thị trấn Chúc Sơn – huyện Chương Mỹ sẽ là cơ sở để huyện Chương Mỹ cũng như HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đầu tư mở rộng quy mô diện tích trồng rau theo quy trình kỹ thuật của Nhật Bản, đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, chuyển giao công nghệ và liên kết tiêu thụ sản phẩm.



Dẫn đoàn đại biểu dự hội nghị thăm quan mô hình trồng thí điểm, ông Hoàng Văn Khảm – Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ không chỉ giới thiệu tường tận quy trình sản xuất rau được áp dụng kỹ thuật như thế nào mà ông còn sẵn sàng hái ăn trực tiếp sản phẩm của mình tại ruộng.  Ông Khảm cho biết: Sau 2 năm tham gia và được các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao kỹ thuật, vụ đông năm 2017, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn đã triển khai thực hiện mô hình điểm 1.000m2. Các loại rau được trồng là: cải bắp, cải bó xôi, cải chíp, cải canh, củ cải tròn và rau Mi-zu-na. Quá trình trồng rau được áp dụng theo quy trình sản xuất của Nhật Bản. Phân bón được sử dụng trong sản xuất rau chủ yếu là phân chuồng đã trải qua quá trình ủ, đảm bảo hoai mục hoàn toàn và một số loại phân bón vô cơ có nguồn gốc rõ ràng. Mô hình áp dựng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để hạn chế sâu bệnh hại: sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, kết hợp sử dụng che phủ vải không dệt, máy hút bọ nhảy đã cho hiệu quả tốt. Toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khi thu hoạch rau đều áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật và hướng dẫn của các chuyên gia nông nghiệp đến từ tỉnh I-ba-ra-ki - Nhật Bản. Các loại rau trồng trong mô hình đã cho chất lượng và năng suất tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương.

Mô hình thuộc  Dự án “Hỗ trợ thúc đẩy nâng cao thu nhập và ổn định sản xuất kinh doanh nông nghiệp cho khu vực lân cận thành phố Hà Nội do JICA, Nhật Bản hỗ trợ, thông qua hợp tác nông nghiệp giữa Liên minh Hợp tác xã Nông nghiệp Trung ương tỉnh I-ba-ra-ki với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 4 năm 2015, Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ đã được tiếp cận với mô hình trồng rau theo công nghệ Nhật Bản, quy mô 1.000m2 tại Thôn Giáp Ngọ, thị trấn Chúc Sơn. Trong 2 năm triển khai, trong khuôn khổ hỗ trợ nhằm phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp, Liên minh HTX nông nghiệp tỉnh I-Ba-ra-ki đã tổ chức 4 khóa tập huấn cho các bộ kỹ thuật của Hà Nội sang nghiên cứu, học tập tại tỉnh I-ba-ra-ki. Đồng thời, các chuyên gia Nhật bản đã tiến hành khảo sát, cải tạo đất tại thôn Giáp Ngọ và tiến hành chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân tham gia mô hình về quy trình canh tác chủng loại rau; lựa chọn và chăm sóc cây trồng; cách phòng trừ sâu bệnh. Bà Nguyễn Diệu Thúy – Phó trưởng phòng trồng trọt Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đánh giá tại hội nghị, các loại rau lựa chọn để trồng đều phù hợp với điều kiện của địa phương, cây rau sinh trưởng và phát triển tốt; Các hộ nông dân đều tiếp thu và thực hiện đúng quy trình trồng rau theo công nghệ Nhật Bản. Trong thời gian tới, những biện pháp kỹ thuật sản xuất rau được áp dụng tại mô hình sẽ được tuyên truyền rộng rãi cho các vùng trồng rau trên địa bàn Thành phố.

HTX rau quả sạch Chúc Sơn có 27 xã viên, sản xuất trên diện tích 5ha theo quy trình sản xuất hữu cơ và quy trình sản xuất an toàn với nhà lưới và hệ thống tưới tiết kiệm hiện đại, hệ thống quan trắc thời tiết. Ước tính mỗi ngày, HTX cung ứng ra thị trường 6 tấn rau và bước đầu đã hình thành các liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Riêng đối với các loại rau được trồng theo công nghệ do các kỹ sư nông nghiệp tỉnh I-ba-ra-ki hướng dẫn tại mô hình thí điểm đã đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và được khách hàng chấp nhận. Bước đầu Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn đã tiêu thụ sản phẩm của mô hình tại một số trường học trên địa bàn huyện và siêu thị BigC, T-Mart…  Với thành công bước đầu này, ông Hoàng Văn Thám – Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết: về phía huyện Chương Mỹ cũng sẽ hỗ trợ Hợp tác xã mở rộng quy mô diện tích trồng rau theo quy trình kỹ thuật của Nhật Bản, đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, chuyển giao công nghệ cho các xã trồng rau khác trên địa bàn huyện và liên kết tiêu thụ để sản phẩm tiếp cận với thị trường được thuận lợi hơn.

  Mặc dù không có vẻ ngoài bắt mắt, tuy nhiên, rau trồng theo mô hình nông nghiệp tỉnh I-ba-ra-ki không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân hóa học, đồng thời, đảm bảo 5 tiêu chí sạch: giống sạch, đất sạch, nước sạch, rau trồng sạch và thu hoạch, đóng gói sạch. Mở rộng mô hình sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cũng như hiệu quả kinh tế từ sản xuất rau sạch tại thị trấn Chúc Sơn./.

                                                                                      Lưu Phượng