Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Triển vọng từ mô hình rươi - lúa hữu cơ

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với hai địa phương Uông Bí và Đông Triều triển khai thử nghiệm mô hình “Canh tác rươi – lúa hữu cơ bổ sung rươi giống”. Sau hơn 5 tháng triển khai, đến nay, mô hình phát triển tốt, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao.



     Rươi (Tylorhynchussinensis) là một loại thủy đặc sản của các tỉnh có cửa sông nước lợ ven biển Bắc Bộ. Tại Quảng Ninh, vùng rươi phân bố tự nhiên ven các sông trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 460ha, trong đó: tại thị xã Đông Triều là 108 ha, tại thành phố Uông Bí trên 281 ha và tại thị xã Quảng Yên trên 70 ha. Mùa sinh sản của rươi tập trung nhiều nhất vào hai vụ. Vụ 1 vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 và vụ 2, cuối tháng 10 đầu tháng 11 dương lịch. Vào mùa sinh sản, rươi từ những hang hốc dưới đất nổi lên mặt nước theo dòng để ra các vùng cửa sông. Quá trình sinh sản chịu ảnh hưởng của các yếu tố chu kỳ mùa vụ, nhiệt độ môi trường, độ mặn, độ cao của thuỷ triều... đây là các yếu tố sinh thái quan trọng cho sinh sản của rươi. Những năm gần đây, các hộ dân ở các địa phương có lợi thế phát triển con rươi đã tự phát đắp bờ, cải tạo ao, đầm, cống tại các bãi bồi ven sông tạo điều kiện cho con rươi tự nhiên sinh trưởng, phát triển. Để tạo sinh cảnh và thu nhập, các hộ đều kết hợp nuôi rươi và cấy lúa. Bằng hình thức đơn giản này người dân cũng tạo được sản phẩm, thu nhập từ rươi, lúa. Tuy nhiên, sản lượng không cao, bình quân sản lượng rươi chỉ đạt 100-130 kg/ha/năm, sản lượng lúa đạt 1,8 – 2,0 tấn/ha/vụ.

Tuy nhiên việc canh tác rươi – lúa còn gặp không ít những khó khăn và hạn chế như: (1) Vùng khoanh nuôi rươi - lúa còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch nên diện tích manh mún nhỏ lẻ; (2) Tại Quảng Ninh chưa có cơ sở sản xuất giống rươi nhân tạo nên việc cung cấp rươi giống cho người nuôi còn gặp khó khăn trong khi giống rươi tự nhiên sinh sản theo mùa ngày càng cạn kiệt; (3) Do tác động của biến đổi khí hậu và chất lượng môi trường vùng nuôi ngày càng suy giảm do nước chảy từ khu khai thác than, khu nhà máy nhiệt điện, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt … nên diện tích có rươi phân bố tự nhiên ngày càng thu hẹp và đang có nguy cơ bị biến mất; (4) Các vùng nuôi rươi kết hợp với trồng lúa người dân còn ít kinh nghiệm quản lý môi trường và tác động kỹ thuật cải tạo vùng khoanh nuôi cho nên năng suất lúa, rươi vẫn còn thấp, hiệu quả kinh tế vùng canh tác chưa cao; (5)Việc phân phối sản phẩm lúa, rươi của vùng khoanh nuôi không được quan tâm nên thường bị các thương  lái ép giá làm cho giá thành sản phẩm thấp, hiệu quả đầu tư của người dân không cao do đó kìm hãm sự phát triển của các vùng khoanh nuôi rươi – lúa.

Để giải quyết vần đề về giống rươi, Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc đã triển khai nghiên cứu, sản xuất giống rươi trong điều kiện nhân tạo, xây dựng các mô hình nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất, canh tác rươi – lúa, chủ động cung cấp giống rươi cho người dân tại một số địa phương, chủ động cung cấp bổ sung thức ăn cho rươi, tăng cường quản lý các vấn đề môi trường nuôi có kết quả ban đầu rất khả quan. Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình “Canh tác rươi – lúa hữu cơ bổ sung rươi giống tại thành phố Uông Bí và thị xã Đông Triều” với quy mô 08 ha cho 4 hộ nuôi. Các hộ nuôi được hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, kỹ thuật xử lý bổ sung thức ăn... Đến nay, rươi phát triển tốt với kích thước đạt 5-7cm/con, qua kiểm tra cho thấy mật độ đạt 80-100 con/m2 cao hơn so với mật độ ngoài mô hình chỉ đạt 10-30 con/m2, bên cạnh các chỉ tiêu về lúa hữu cơ hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu mục tiêu của mô hình.

Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng nuôi rươi, ông Vũ Văn Vui là một trong những hộ triển khai mô hình thử nghiệm canh tác rươi lúa tại phường Phương Nam, thành phố Uông Bí cho biết “Mô hình thả bổ sung rươi giống từ sản xuất nhân tạo ước tính cho năng suất cao gấp 3-4 lần so với việc nuôi chỉ lấy giống ngoài tự nhiên do vậy hiệu quả mang lại cũng rất cao. Mô hình mở ra hướng mới cho người nuôi chúng tôi ở các địa phương có điều kiện tương tự”. Bên cạnh đó mô hình cũng góp phần thay đổi nhận thức của người dân chuyển từ phương thức chỉ khai thác tự nhiên sang phương thức nuôi mới có tổ chức quản lý, sản xuất một cách khoa học, hiệu quả, có tính cộng đồng cao.

Rươi là đối tượng có nhiều triển vọng phát triển ở Quảng Ninh. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh tiếp tục đề xuất dự án Phát triển nghề nuôi rươi kết hợp canh tác lúa hữu cơ từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng tạo ra vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu và đáp ứng được nhu cầu của thị trường, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh