Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tổng kết đề án chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô

Vừa qua, tại huyện Đầm Hà, Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Ninh tổ chức hội nghị tổng kết Đề án Chuyển đổi diện tích lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2017.



Đề án Chuyển đổi diện tích lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2017 với mục tiêu ứng dụng quy trình kỹ thuật mới, đưa các giống năng suất cao, chất lượng tốt, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để chuyển đổi một số diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả, vùng đất chưa chủ động nước sản xuất sang trồng ngô giống mới năng suất cao, chất lượng tốt nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, tạo vùng ngô nguyên liệu tập trung cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, xây dựng chuỗi liên kết “4 nhà” tạo giá trị bền vững trong sản xuất.

Sau 3 năm thực hiện, trong giai đoạn 2015-2017 đã tổ chức được 35 lớp tập huấn cho 2.029 lượt nông dân trong vùng triển khai. Năm 2015 đã chuyển đổi 45 ha; năm 2016, triển khai nhân rộng được 398,25 ha; năm 2017, triển khai nhân rộng được 569 ha. Về cơ giới hóa trong sản xuất ngô, năm 2016, các địa phương đã xây dựng và hỗ trợ 18 máy làm đất, 05 máy tẽ ngô. Trong đó huyện Đầm Hà hỗ trợ 04 máy làm đất; huyện Hải Hà hỗ trợ 14 bộ máy làm đất, 11 máy tẽ hạt (Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 06 máy tẽ hạt tại Ba Chẽ); năm 2017, huyện Hải Hà tiếp tục hỗ trợ 02 máy làm đất và 02 máy tẽ ngô công suất loại nhỏ cho các hộ sản xuất. Về xây dựng khu thu gom, chế biến ngô, huyện Ba Chẽ đã hỗ trợ 01 nhà xưởng sơ chế ngô quy mô 30 m² với 01 máy tẽ hạt công suất 5-7 tấn/giờ, 01 máy sấy công suất 2-5 tấn/giờ.

Nhìn chung việc chuyển đổi diện tích đất lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản giúp nông dân tiếp cận, ứng dụng các giống ngô có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất (NK6654, NK4300…), nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; mở rộng diện tích ngô trên các diện tích đất lúa 1 vụ, đất không chủ động nguồn nước tưới... giúp nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng giúp nông dân tiếp cận với phương thức sản xuất mới (sản xuất ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi bò tập trung), qua đó đã tạo mối liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ. Quá trình triển khai thực hiện cũng đã giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn nhận thức rõ hơn trong việc lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương để tăng hiệu quả trên một diện tích đất canh tác./.

Chu Văn Trí - Trung tâm KN Quảng Ninh