Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh là “con nhà nòi” làm chè. Bố mẹ anh đều là nhân viên nhiều năm gắn bó với Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm. Vì vậy ngay từ nhỏ anh đã được tiếp xúc với chè. Đây cũng là lợi thế để anh nắm bắt được các quy trình kỹ thuật chăm sóc cũng như nhận biết được thu hái như thế nào để được chè thơm ngon.
Anh Sử khởi nghiệp từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên phải đến năm 2011 anh mới bắt tay vào trồng chè đặc sản theo hướng an toàn. Sau 6 năm làm anh nhận thấy, muốn mở rộng thị trường thì không thể dừng lại ở mô hình kinh tế hộ. Vì vậy năm 2017, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh ra đời với 7 hội viên.
Trong những năm tháng làm chè, anh Sử cũng có những chuyện đáng nhớ. Đó là chuyện ở xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương người dân muốn phá bỏ vườn chè đặc sản vì không được giá. Nghe vậy anh về tận nơi vận động thuyết phục, cam kết sẽ thu mua giá 33.000 đồng/kg nếu người dân đảm bảo quy trình chăm sóc sạch, thu hái thủ công và phải 1 tôm 2 lá. Vì thế hơn 2 năm nay người dân ở vùng này không chỉ coi anh là đối tác làm ăn mà còn là bạn. Họ luôn tin tưởng đồng hành cùng anh trong chiến lược phát triển chè sạch đặc sản.
Không ngừng nỗ lực, HTX chè Sử Anh đã lớn dần. Khi mới thành lập, HTX có 10 ha sử dụng 20 lao động. Đến nay đã có 30 ha sử dụng trên 50 lao động tại địa phương; đồng thời đã chuyển đổi thay toàn bộ diện tích bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng như chè Ngọc Thúy, chè Bát tiên, chè LDP1; sản lượng trung bình đạt 125 tấn nguyên liệu/năm. Toàn bộ diện tích được áp dụng theo quy chuẩn VietGAP. Tham gia mô hình người nông dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc “4 đúng” (Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp).
Chị Hoàng Thị Mai, thôn 12, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn cho biết, trong khi cùng giống chè nhiều hộ gia đình không nằm trong vùng nguyên liệu của HTX do tham năng suất nên việc thu hái, chăm sóc không đúng quy trình nên dù năng suất đạt 80 tấn/ha, giá bán chỉ đạt từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg nên tổng giá trị đạt xấp xỉ 100 triệu đồng/ha. So sánh diện tích chè thu hái theo yêu cầu của HTX dù năng suất chỉ đạt 40 tấn/ha, nhưng với giá 30.000 đồng/kg thì số tiền thu về đạt 120 triệu/ha. Gia đình chị liên kết gắn bó với HTX được gần 2 năm nay.
HTX hiện có 4 loại chè thành phẩm chủ lực, gồm có 2 loại chè Ngọc Thúy và 2 loại chè khô chế biến từ giống Bát Tiên và giống chè LDP1. Trong đó có sản phẩm chè xanh túi lạnh Ngọc Thúy được thị trường khá yêu thích. Bởi khi pha sắc nước trong chén trà sánh vàng, tỏa hương ngào ngạt và khi uống có vị ngọt đọng sâu trong cổ họng.
Hằng năm doanh thu từ sản xuất chè của HTX Sử Anh đạt trên 5,75 tỷ đồng. Sản phẩm chè của HTX có mặt tại thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam... Từ nay đến năm 2020, HTX phấn đấu mở rộng thêm 20 ha vùng nguyên liệu tại các huyện có diện tích chè shan đặc sản lớn như Na Hang, Lâm Binh.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Tuyên Quang cho biết, HTX Sử Anh là một trong những đơn vị sản xuất chè sạch tiêu biểu của tỉnh. HTX đã được Chi cục xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn; toàn bộ sản phẩm của HTX bán ra thị trường đã được dán tem điện tử mã cốt QR để truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả./.
TT (Theo Báo NNVN)