Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tỉnh Bắc Ninh: Chàng kỹ sư công nghệ sinh học làm giàu từ cây dược liệu

Có một công việc đáng ao ước tại một cơ quan nghiên cứu uy tín, một vị trí phó phòng sau bao nỗ lực phấn đấu, được giao nhiệm vụ phụ trách nhóm tạo giống cây trồng bằng bức xạ sinh học nhưng chừng đó vẫn chưa đủ thỏa mãn chàng thanh niên Nguyễn Đình Thành (thôn Trung Thành, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.



Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học tại trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, chàng kĩ sư trẻ Nguyễn Đình Thành dễ dàng có được công việc như ý tại Phòng Sinh học bức xạ, thuộc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong Công nghiệp, tại Đà Lạt. Nhờ có kinh nghiệm 10 năm làm việc tại đây nên anh Thành tích lũy được nhiều kiến thức quý giá, am hiểu sâu rộng về đặc tính của từng loại cây, tính chất của từng loại đất… Vốn có niềm yêu thích với các loại cây trồng, cộng với bản tính cần cù, sáng tạo nên ngoài thời gian làm việc tại cơ quan, anh còn thuê thêm đất để trồng và nghiên cứu các loại hoa cây cảnh. Tuy nhiên, nhiều vấn đề khó khăn đã xảy đến khiến anh không thể tiếp tục duy trì trang trại của mình.

Đứng lên từ thất bại đó, anh quyết tâm mở một trang trại khác và tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu của mình với các mầm cây. Nhận thấy rằng ruộng đất quê mình có những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thành vùng sản xuất, do vậy người con xa quê ấy đã quyết định bỏ lại mọi thứ mình có tại vùng đất Đà Lạt tươi đẹp và trở về quê bắt đầu lại từ đầu. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kĩ chất đất và nhiều loại cây trồng, các loại hoa, cây cảnh, rau màu khác nhau, anh đã quyết định chọn cây bạc hà để chiết xuất tinh dầu. Anh Thành cho biết, cây bạc hà là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, vốn đầu tư ít và đầu ra của các loại tinh dầu khá ổn định. Bạc hà có thể ăn trực tiếp, còn tinh dầu bạc hà có rất nhiều công dụng hữu ích, tốt cho sức khỏe như: khử trùng, kháng khuẩn, giảm đau, kháng viêm, giúp tiêu hóa tốt, chống lại nấm mốc, chống trầm cảm, trị ho ...

Anh đã thuê 1ha đất của các hộ dân trong thôn để trồng bạc hà, hương thảo và hoa hồng. Bạc hà được trồng vào đầu mùa Xuân, cứ khoảng 3 tháng cho thu hoạch một lứa. Sau thu hoạch chỉ cần dọn cỏ, bón thêm phân là những mầm non lại mọc và phát triển để cho thu lứa tiếp theo; hết năm giữ lại phần gốc, sau đó xới lại đất, bón phân và trồng trở lại là có một chu kỳ thu hoạch mới. Bạc hà sau khi thu hái sẽ được đưa vào chưng cất để tạo thành những giọt tinh dầu quý. Trong nồi cất thì cành và lá bạc hà được bố trí bên trên và không được phép tiếp xúc với nước bên dưới. Nồi được đậy kín lại và nhiệt độ nâng lên cao hơn cho tới khi nước trong đó sôi ở 1000C. Lúc đó, từ nồi cất, tinh dầu bạc hà tồn tại ở dạng hơi đi qua ống dẫn vào thùng làm lạnh - đây là hệ thống ống ruột gà đặt trong bể nước lạnh. Tại đây, hơi tinh dầu bạc hà sẽ ngưng đọng tạo thành dịch lỏng và chảy vào bình hứng, kết quả là ta thu được những giọt tinh dầu bạc hà.Hiện, anh Thành đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra với một số công ty sản xuất dược liệu và mỹ phẩm. Tinh dầu sau khi chiết thành công được các công ty thu mua với giá 1 - 1,2 triệu đồng/lít, giúp anh Thành thu về hơn 200 triệu/năm. Bên cạnh cây trồng chính là bạc hà, anh tận dụng quỹ đất còn lại để nhân giống trồng hoa hồng và hương thảo nhằm cung cấp cho các nhà vườn và các cá nhân có nhu cầu trên địa bàn. Tinh dầu hương thảo do anh chiết xuất có giá bán khá cao 12 triệu/lít. Bên cạnh đó, anh còn nghiên cứu để làm nước hoa hồng từ những cánh hồng tại khu vườn của mình. Nhờ sự năng động chịu khó tìm tòi, gia đình anh đã có thêm một nguồn thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng.

Với tiềm năng kinh tế được đánh giá gấp 3 lần cây lúa, cây dược liệu đang cho thấy đây thực sự là một mỏ “vàng xanh” do hiện nay nhu cầu sử dụng tinh dầu và hương liệu trên thế giới tăng nhanh, người dân ngày càng có xu hướng trở về dùng những sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên. Những thành công vừa qua của anh Thành đã chứng minh rằng đây là mô hình có nhiều triển vọng, phù hợp với vùng đất Gia Bình và là tiền đề để quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây dược liệu tập trung./.

TT (Theo TTKNQG)